Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại Việt Nam có ý nghĩa gì?

Đầu tiên, phải khẳng định việc nước sở tại quyết định công bố dịch và WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là hai khái niệm khác nhau.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đây là lần thứ 6, WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, tuy nhiên Việt Nam chưa từng công bố tình trạng khẩn cấp. 5 lần trước WHO từng công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu gồm: Đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, bệnh bại liệt năm 2014, đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, dịch do virus Zika năm 2016, đại dịch Ebola ở Cộng hòa dân chủ Congo năm 2019.

Việt Nam chưa lần nào công bố tình trạng khẩn cấp, kể cả khi số lượng người mắc virus H1N1 ở Việt Nam hồi năm 2009 lên tới gần 10.000 người, với 22 ca tử vong.

Thủ tướng vừa quyết định công bố dịch do virus corona, điều đó có ý nghĩa như thế nào? - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

Tuy nhiên trong lần dịch này, sau khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp và dựa trên đề nghị của Bộ Y Tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định công bố dịch. Theo PGS.TS Phu giải thích, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra nằm trong danh sách các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì bệnh truyền nhiễm; tức là virus mới tới từ Vũ Hán thuộc danh sách có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao, 

Để dễ bề so sánh tác hại, danh sách dài của các căn bệnh truyền nhiễm nhóm A bao gồm: bại liệt; cúm A-H5N1; dịch hạch; đậu mùa; sốt xuất huyết do virus ebola, lassa hoặc marburg; bệnh sốt Tây sông Nile; sốt vàng; tả; viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Sau khi công bố dịch, chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn

Trên thực tế, từ khi chưa công bố, Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã có những chỉ đạo, áp dụng các biện pháp quyết liệt, thậm chí cao hơn so với khuyến cáo của WHO.

Với việc công bố dịch, các biện pháp mạnh mẽ hơn sẽ được áp dụng như yêu cầu các tỉnh thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, vấn đề cách ly, điều trị, chăm sóc y tế, chế độ của các cán bộ làm nhiệm vụ trong vùng dịch, hay có thể áp dụng chính sách miễn phí điều trị với bệnh nhân nhiễm bệnh khi cần thiết...", PGS.TS Trần Đắc Phu nói thêm.

Thủ tướng vừa quyết định công bố dịch do virus corona, điều đó có ý nghĩa như thế nào? - Ảnh 2.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, sau khi công bố dịch, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm: Lập ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch; khai báo, báo cáo dịch; cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; cách ly y tế; vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế vùng có dịch; các biện pháp bảo vệ cá nhân; kiểm soát ra, vào vùng dịch; huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch …

Liệu học sinh có nên nghỉ học trong hoàn cảnh Việt Nam công bố dịch?

PGS.TS Trần Đắc Phu nói rằng Bộ Y tế chưa có khuyến cáo cho học sinh nghỉ học, và kể cả khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch, việc học sinh nghỉ học tránh dịch cũng không được đề cập.