Năm 2018, Microsoft đã đánh chìm toàn bộ một trung tâm dữ liệu của mình xuống đáy biển Scotland, khiến 864 máy chủ và 27,6 petabyte dung lượng được lưu trữ sâu 35 mét dưới đáy đại dương.
Và giờ đây, công ty đã báo cáo rằng thử nghiệm của họ đã thành công, tiết lộ những phát hiện cho thấy ý tưởng về một trung tâm dữ liệu dưới nước thực sự là một ý tưởng khá tốt.
Nhìn bề ngoài, việc ném cả một trung tâm dữ liệu xuống đáy đại dương có vẻ kỳ lạ, nhưng nhóm Project Natick của Microsoft đã đưa ra giả thuyết rằng việc đánh chìm này sẽ tạo ra các trung tâm dữ liệu đáng tin cậy và tiết kiệm năng lượng hơn.
Trung tâm dữ liệu dưới biển của Microsoft
Bởi trên đất liền, các trung tâm dữ liệu gặp phải nhiều vấn đề như ăn mòn do oxy và độ ẩm, hay khó kiểm soát sự thay đổi nhiệt độ. Nhưng trong môi trường kín nước với việc kiểm soát nhiệt độ chặt chẽ, ít vấn đề xảy ra hơn nhiều. Ý tưởng là những loại máy chủ này có thể dễ dàng được triển khai ở các quy mô lớn và nhỏ gần bờ biển của các khu vực cần tới chúng, mang lại khả năng truy cập cục bộ tốt hơn vào các tài nguyên dựa trên đám mây ở nhiều nơi hơn.
Microsoft cho biết trung tâm dữ liệu dưới nước có tỷ lệ hỏng hóc hay sự cố chỉ bằng 1/8 so với trung tâm dữ liệu trên cạn, một sự cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hỏng hóc thấp hơn là rất quan trọng, do việc bảo trì một máy chủ bị hỏng sẽ khó hơn nhiều khi nó nằm trong một thùng chứa kín khí ở dưới đáy đại dương.
Công ty đã khám phá ra ý tưởng về các máy chủ chìm từ khá lâu. Vào năm 2015, Microsoft đã đánh chìm một trung tâm dữ liệu ở ngoài khơi bờ biển California trong vài tháng để thử nghiệm xem liệu các máy tính có sống sót sau chuyến đi dưới đáy biển hay không. Tuy nhiên, vòng thử nghiệm kéo dài 2 năm qua đã chứng minh rằng công ty có thể hoàn thành nhiệm vụ này trên quy mô thực tế.
Và điểm cộng cuối cùng của dự án này mà nhóm Project Natick của Microsoft cho thấy, đó là việc các máy chủ có thể dễ dàng được gỡ bỏ và tái chế khi chúng đến cuối vòng đời.
Tham khảo Theverge