Theo đó, trong cuộc họp thường niên tổ chức vào 8/12 của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ (AGU), các nhà khoa học đã lập ra một mô hình dự đoán sự biến đổi của Trái Đất trong vòng hàng trăm triệu năm nữa. Tại đây, họ đã khám phá ra 2 tình huống có thể xảy ra.
Đầu tiên, sau khoảng 200 triệu năm nữa, gần như tất cả các lục địa trên Trái Đất sẽ co cụm và tập trung lại ở Bắc bán cầu, ngoại trừ lục địa Nam Cực vẫn ở Nam Bán cầu. Với trường hợp thứ hai, trong vòng 250 triệu năm nữa, một siêu lục địa – được ghép từ các lục địa nhỏ khác nhau – sẽ hình thành quanh xích đạo, trải dài từ Bắc bán cầu tới Nam bán cầu.
Sự biến đổi của các lục địa trên Trái Đất trong vòng 250 triệu năm qua
Trong cả hai trường hợp, nhóm nghiên cứu đã tính toán sự thay đổi của khí hậu toàn cầu khi các siêu lục địa này xuất hiện. Khi các lục địa dồn lại ở phía Bắc và địa hình chủ yếu là đồi núi, nhiệt độ toàn cầu sẽ lạnh hơn đáng kể so với những mô hình mô hình khác. Điều này có thể thúc đẩy thời kỳ nhiệt độ giảm sâu chưa từng có trong lịch sử Trái Đất, kéo dài trong khoảng thời gian ít nhất 100 triệu năm.
Về cơ bản, các lục địa trên Trái Đất luôn có sự thay đổi về hình dáng theo thời gian, thay vì giữ nguyên hiện trạng. Trong 3 tỷ năm qua, các lục địa đã có lúc co cụm thành các siêu lục địa rộng lớn, sau đó lại tách ra thành các lục địa nhỏ.
Lần gần đây nhất một siêu lục địa từng tồn tại trên Trái Đất là Pangaea, từng xuất hiện cách đây 200 – 300 triệu năm, bao gồm các vùng đất hiện là Châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ ngày nay. Trước Pangaea là siêu lục địa Rodinia, xuất hiện 700 - 900 triệu năm trước. Vào khoảng 1,6 tỷ năm trước, siêu lục địa Nuna đã hình thành, trước khi chia nhỏ vào 1,4 tỷ năm trước.
Tham khảo Live Science