Mang lịch sử vào game, startup khiến dàn “cá mập” đại chiến: Nhân vật lịch sử thì phải tạo hình trung thực với lịch sử, hay giống anime Nhật cũng được? - Ảnh 1.

Theo trình bày, Sử Hộ Vương được xây dựng dựa trên các mô hình đã có trên thế giới, lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử, văn hóa Việt Nam để thiết kế. Sản phẩm hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu từ 15 – 24 tuổi, nhằm giúp cho các bạn trẻ biết nhiều hơn đến lịch sử Việt Nam.

Trước khi lên Shark Tank, Sử Hộ Vương từng có bảng thành tích khá đáng nể khi trong vòng 2 tháng, dự án đã gây quỹ cộng đồng với số vốn hơn 300 triệu từ 800 người, là dự án đạt kỷ lục số người đóng góp cao nhất từ trước đến nay trên Comicola, nền tảng hỗ trợ họa sỹ truyện tranh Việt Nam.

Trong 10 ngày đầu tiên phát hành, đã có 6.000 bộ sản phẩm được tiêu thu trên toàn quốc, mang về doanh thu 800 triệu đồng.

Đến với Shark Tank Việt Nam, 2 nhà sáng lập dự định kêu gọi 1 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần. Theo họ tính toán, 30% khoản tiền được đầu tư vào app, 40% đầu tư vào hàng tồn kho để phân phối toàn quốc, còn lại dự trù rủi ro và trích 1 phần đầu tư vào truyện tranh.

Tạo hình nhân vật đầy tranh cãi

Gây được sự chú ý về ý tưởng đưa lịch sử Việt Nam vào trò chơi, nhưng Sử Hộ Vương lại khiến các Shark phản ứng gay gắt về việc tạo hình các nhân vật lịch sử không thuần Việt, hình thức giống như những nhân vật của Nhật Bản hay Trung Quốc.

Mang lịch sử vào game, startup khiến dàn “cá mập” đại chiến: Nhân vật lịch sử thì phải tạo hình trung thực với lịch sử, hay giống anime Nhật cũng được? - Ảnh 2.

Shark Phạm Thanh Hưng ngay lập tức đưa lời nhận xét khá gay gắt: "Nếu các bạn định mượn lịch sử để kinh doanh thì các bạn không được phỉ báng lịch sử. Tôi tôn thờ những nhân vật lịch sử của tôi, tôi không thích nhìn những thần tượng của tôi bị bóp méo đi một cách không liên quan đến hình tượng tôi tôn thờ suốt thời thơ ấu cho đến nay".

Shark Hưng cho rằng với những nhân vật đã được lịch sử ghi nhận có công với đất nước nhưng trong game giả tưởng của các bạn thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nguyễn Ánh lại đánh thắng Nguyễn Huệ như vậy dẫn đến việc giới trẻ hiểu sai về lịch sử.

Đồng tình với Shark Hưng, Shark Đỗ Liên đưa ra lời nhận xét: "Những nhân vật các bạn vẽ không giống những nhân vật lịch sử. Ví dụ như Nguyễn Huệ tôi thấy như là truyện tranh của Nhật Bản. Rất là khó có thể chấp nhận được. Các bạn mới chỉ đưa tên để áp lên trên cái hình ảnh lai căng như vậy thì tôi thấy không ổn về mặt văn hóa".

Không nhận xét quá nhiều nhưng Shark Dũng cho rằng các nhân vật do Sử Hộ Vương hình dung ra không hề giống với những gì thuộc về lịch sử, chỉ đang mượn tên nhân vật lịch sử gắn vào.

Ở bên kia chiến tuyến, Shark Việt lại phản biện rằng các Shark chỉ muốn thấy những hình ảnh các Shark muốn thấy, trong khi chưa ai biết các nhân vật lịch sử trên thực tế trông thế nào.

"Cái trò này của giới trẻ, miễn là giới trẻ hiểu được lịch sử, còn Nguyễn Du hay bà Lý Chiêu Hoàng, nếu thị trường chấp nhận các bạn hãy giữ như thế, còn thị trường bảo bạn ơi mặt họ xấu quá, đổi đi thì thay đổi. Hãy để thị trường trả lời câu hỏi này".

Quan điểm của Shark Việt đã ngay lập tức bị "cá mập bà Ngoại U60" phản đối vì cho rằng lịch sử phải ghi nhận cho trung thực. "Chủ đích ban đầu của bạn là muốn đưa lịch sử Việt Nam cho các bạn trẻ yêu thích. Nếu bạn lấy những nhân vật lịch sử thì bạn phải tôn trọng cái gốc của lịch sử".

Mang lịch sử vào game, startup khiến dàn “cá mập” đại chiến: Nhân vật lịch sử thì phải tạo hình trung thực với lịch sử, hay giống anime Nhật cũng được? - Ảnh 3.

Với những phân tích kể trên, Shark Hưng, Shark Dũng đều đồng loạt từ chối đầu tư vào dự án. Tiếp theo Shark Thủy cũng từ chối vì dự án còn chưa có giấy phép phát hành nội dung và không phù hợp với quan điểm đầu tư của vị cá mập này. Shark Việt, dù không phản đối cách xây dựng nhân vật của Sử Hộ Vương, nhưng cho biết ông chỉ quan tâm ngành hàng sản xuất thiết thực, còn ngành trò chơi không hứng thú lắm nên không đầu tư.

Duy nhất Shark Đỗ Liên, bất ngờ ngay phút 89, lại đưa ra lời đề nghị đầu tư 1 tỷ cho 10% cổ phần theo đúng ý của các nhà sáng lập. Tuy nhiên "cá mập bà ngoại" đặt điều kiện rằng startup phải giữ nguyên gốc văn hóa, lịch sử của người Việt.

"Các bạn được tự do phản biện nhưng khi số đông đồng ý với ý kiến của tôi thì các bạn phải làm theo. Xuất thân của tôi là một nhà giáo, lại dạy về văn nên vì thế tôi không muốn bị méo mó đi những nhân vật lịch sử đã ghi nhận. Tôi sẽ hỗ trợ các bạn xin được giấy phép một cách nhanh nhất theo đúng luật".

Tuy nhiên, thương vụ đã bất thành khi cả Vĩnh Lộc và Phương Thảo đều không có tiếng nói chung với nhà đầu tư. Cặp đôi nhà sáng lập cho rằng, nếu Shark Đỗ Liên thay đổi hết những gì từng xây dựng thì sẽ đi ngược lại với giá trị cốt lõi mà Sử Hộ Vương đang xây dựng. Hai nhà sáng lập quyết định không nhận đầu tư, ra về tay trắng để tiếp tục dự án theo mong muốn của mình.