Thuật ngữ Nexus đã từng được Marvel Studios “nhá hàng” trong WandaVision, series mở màn cho MCU, ra mắt trên Disney+ vào giữa tháng 1 năm nay. Và trong tập phim đầu tiên của Loki, lên sóng vào ngày 9/6 vừa qua, thuật ngữ này một lần nữa lại xuất hiện và được giải thích rõ ràng hơn rất nhiều.
Trong WandaVision, Nexus được mô tả một cách đầy ẩn dụ khi gán cho 1 loại thuốc chống trầm cảm, kéo người dùng trở lại với thực tại - hay ít nhất là thực tại mà họ lựa chọn. Còn với Loki, nó được định nghĩa chính xác hơn 1 chút: Là khoảnh khắc khi 1 dòng thời gian mới được sinh ra do 1 cá thể có hành động khác lạ trong dòng thời gian chính. Đây có lẽ chính là chiếc chìa khóa đầu tiên giúp khán giả mở ra cánh cửa khám phá về thuyết đa vũ trụ vốn còn rất mới mẻ trong MCU.
Cụm từ "Nexus" tiếp tục xuất hiện trong các tác phẩm của MCU, nhưng lần này đã được giải thích rõ ràng 1 chút.
Trong nguyên tác truyện tranh, thuật ngữ “Nexus” mang 2 ý nghĩa chính. Thứ nhất, nó ám chỉ Nexus of All Realities - 1 khu vực đầm lầy cận nhiệt đới của Florida Everglades. Đây được cho là nơi mà “sợi thực tại tồn tại ở trạng thái siêu mỏng”, cho phép di chuyển giữa các chiều không gian song song với nhau. Thứ hai, trong chương truyện What If…? #35 (1992), thực thể vũ trụ The Watcher đã khai sinh ra 1 khái niệm mới với tên gọi Nexus Being (cá thể Nexus). Đây là “những thực thể siêu hiếm, sở hữu khả năng chi phối những gì có thể xảy ra trong cả thực tại và tương lai”.
Có rất ít cá thể Nexus tồn tại trong vũ trụ Marvel, nhưng một trong số đó là cái tên rất quen thuộc với cả độc giả truyện tranh lẫn khán giả đại chúng: Scarlet Witch. Sau khi mua lại 20th Century Fox vào năm 2019, Disney đã loại bỏ hoàn toàn những vấn đề liên quan đến bản quyền của 1 bộ phận siêu anh hùng Marvel, trong đó bao gồm cả Scarlet Witch, và chính thức biến Wanda Maximoff thành nhân vật này thông qua 9 tập phim của WandaVision. Trước đó, cô nàng dù đã góp mặt trong nhiều bom tấn của MCU, vẫn chỉ được biết đến với cái tên Wanda mà thôi.
Mọi thông tin đang cho thấy Nexus sẽ sớm trở thành yếu tố quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của MCU, giống như cách mà 6 viên đá vô cực đã làm được trong 3 phase đầu tiên. Dĩ nhiên, thay vì nhồi nhét quá nhiều thông tin trong 1 thời gian ngắn, Marvel Studios vẫn tiếp tục áp dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” để khán giả có thể dễ dàng tiếp nhận và hiểu được ý tưởng mà họ muốn truyền tải.
Giống như những viên đá vô cực, Marvel Studios đang dần dần đưa các khái niệm liên quan đến đa vũ trụ vào MCU một cách khéo léo, tránh để người xem bị "ngợp".
Trở lại với Loki, rõ ràng việc anh chàng này “xuyên không” trong Endgame là cơ hội quá tuyệt vời để Marvel lý giải rõ hơn về ý tưởng đa vũ trụ và tầm quan trọng của Nexus trong MCU. Theo như đoạn hoạt hình vui nhộn mà tổ chức Time Variance Authority (TVA) đã biên tập, khoảnh khắc một dòng thời gian mới được tạo ra chính là sự kiện Nexus, giống như khi Loki trốn thoát cùng khối Tesseract mà khán giả đã biết đến trước đó.
Tuy nhiên, sự kiện Nexus cũng không phải điều tốt đẹp gì, và quá nhiều timeline rẽ nhánh có thể sẽ dẫn đến 1 cuộc chiến tranh đa vũ trụ, vốn đã từng xảy ra trong quá khứ. Tồn tại bên ngoài dòng chảy thông thường của thời gian, TVA mang sứ mệnh lùng sục và can thiệp vào tất cả những sự kiện Nexus như vậy, sau đó phá hủy dòng thời gian mới được sinh ra để đảm bảo chỉ có 1 thực tại duy nhất được tiếp tục phát triển (hay còn gọi là dòng thời gian thiêng liêng - The Scared Timeline do các Time-Keepers tạo ra). Đó là tất cả những gì chúng ta biết về TVA ở thời điểm hiện tại, hay ít nhất là những điều mà Marvel Studios muốn chúng ta tin là như vậy.
Trong MCU, việc liên tục tạo ra các sự kiện Nexus có thể dẫn đến 1 cuộc chiến tranh đa vũ trụ.
Vậy tại sao khi Wanda thao túng thực tại, dù là vô tình hay cố ý, TVA lại không can thiệp như họ đã làm với Loki? Hiện tại có 2 giả thuyết chính: Wanda sử dụng Chaos Magic, và đối chiếu theo nguyên tác truyện tranh, loại năng lượng này được lấy từ một thực thể ngoài không gian, đủ khả năng giúp các hành vi của cô qua mắt được TVA.
Hoặc cũng có thể là do sức mạnh của Scarlet Witch, với vai trò 1 cá thể Nexus, là liên tục tạo ra những thực tại mới, gần như cứ mỗi quyết định được đưa ra là 1 thực tại khác lại sinh ra và thực tại cũ bị xóa bỏ, đảm bảo Sacred Timeline vẫn được duy trì ổn định với 1 thực tại duy nhất. Đoạn quảng cáo về viên thuốc chống trầm cảm Nexus trong WandaVision kết lại với câu: “Bởi vì thế giới không xoay quanh bạn, hay là thực chất nó vẫn luôn xoay quanh bạn nhỉ?”, có lẽ cũng ám chỉ đến điều này.
Dù sự thật là gì đi nữa, có thể tạm khẳng định cá thể Nexus và sự kiện Nexus sẽ là yếu tố trọng tâm trong mô hình đa vũ trụ của MCU trong giai đoạn tiếp theo. Khán giả sẽ được tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về những khái niệm này trong các tập phim còn lại của Loki và 2 bom tấn Spider-Man: No Way Home (17/12/2021) và Doctor Strange in the Multiverse of Madness (25/3/2022).
Theo ScreenRant