Mỏng, nhẹ và không cầu kỳ
Ở mức giá khởi điểm từ 37,99 triệu đồng, nhiều bạn sẽ đặt Asus ExpertBook B9 (tên mã ExpertBook B9450) lên bàn cân với những cái tên nổi tiếng với người dùng cuối như Macbook Pro 13, Dell XPS 13, HP Spectre và dòng Zenbook cũng của Asus. Tất cả cái tên kể trên đều có vẻ ngoài bóng bẩy, thời trang, dễ dàng gây chú ý và cả sự trầm trồ của người khác khi nhìn vào. Mọi thứ đó đều không có ở ExpertBook B9.
Tôi cho rằng thiết kế của mẫu laptop này thuộc trường phái thẩm mỹ khác, nghiêm túc và có phần wokaholic như chính cái tên Asus đặt vậy: Expert - Chuyên gia. Vẻ ngoài vuông vức, tối giản với tông màu đen bao trùm lên tất cả chi tiết, ExpertBook B9 thích hợp cho người dùng thích sự đơn giản, không màu mè. Đây là phong cách tương tự mà Lenovo ThinkPad, Dell Latitude hay HP Elitebook mang tới cho người dùng nhiều năm qua.
Nhẹ sẽ là điểm bạn ấn tượng đầu tiên khi cầm vào mẫu laptop này. Với phiên bản pin 33Wh tôi đánh giá trong bài máy chỉ nặng 0,87 kg và xấp xỉ 1 kg trên phiên bản pin 66Wh, củ sạc đi kèm 65W nặng khoảng 300 gram. Tổng cộng khối lượng máy khi tôi mang đi làm chỉ tầm 1,2 kg, con số quá hấp dẫn cho những ai thường xuyên mang vác máy tính đi muôn nơi như tôi.
Để đạt cân nặng lý tưởng như vậy, Asus cho biết hãng dùng chất liệu hợp kim lithium-magiê để gia công khung máy, đồng thời kích thước máy được thu nhỏ tối đa với phần viền màn hình siêu mỏng (4mm ở 2 cạnh bên). Bên cạnh yếu tố mỏng nhẹ, độ bền cũng là điểm mẫu laptop này chú trọng với chứng nhận tiêu chuẩn quân đội MIL-STD 810G.
Đi sâu vào chi tiết, hãng cho biết đã gia cố thêm bằng miếng đệm kim loại cùng ốc vít tại các chi tiết quan trọng như bản lề màn hình, cổng kết nối, cột đỡ cao su trên mainboard nhằm giúp máy chống sốc, va đập tốt hơn. Rất tiếc vì con tem bảo hành của nhà phân phối nên tôi không thể mở máy để cho bạn thấy rõ hơn.
2 hình Asus minh hoạt về việc gia cố bản lề, cổng kết nối và cột cao su hấp thụ rung động trên bo mạch chủ
Asus Expert B9 được trang bị các cổng kết nối thông dụng bao gồm 2 USB-C hỗ trợ sạc và Thunderbolt 3, 1 USB-A, 1 HDMI, cổng 3,5mm, khóa Kensington và cổng mini HDMI hỗ trợ kết nối RJ45 LAN qua adapter. Điểm thiếu sót của máy là không có khe cắm thẻ nhớ và tùy chọn khay SIM để kết nối 4G.
Máy hỗ trợ tính năng Windows Hello với đồng thời mở khóa bằng khuôn mặt và cảm biến vân tay. Mọi thứ đều hoạt động trơn tru, tôi đặc biệt thích camera IR giúp khả năng nhận diện gương mặt không những chính xác mà còn rất nhanh. Trong suốt vài tuần sử dụng, tính năng này giúp tôi sau vài giây từ khi mở màn hình lên là đã đăng nhập thành công, chưa một lần phải dùng tới cảm biến vân tay hay mã PIN. Về mặt phần mềm, ứng dụng ASUS Business Manager cài sẵn cho phép bạn mã hóa dữ liệu, đặt mật khẩu bảo vệ cũng như bật/tắt các cổng kết nối vật lý.
Webcam tích hợp camera IR và nút gạt vật lý để che đi khi cần thiết
Màn hình hiển thị chuẩn, hơi tối cho nhu cầu dùng nơi ánh sáng mạnh
Màn hình trên Asus ExpertBook B9 có khả năng mở tối đa 180 độ, phù hợp trong môi trường teamwork để chia sẻ nhanh nội dung đang hiển thị. Cũng như nhiều mẫu laptop cao cấp khác, bạn có thể mở nắp máy nhẹ nhàng bằng một tay.
Màn hình máy mở phẳng 180 độ
Phần viền hai bên khá mỏng, chỉ 4 mm ...
...và có thể mở bằng một tay dễ dàng
Sử dụng tấm nền IPS LCD kích thước 14 inch, độ phân giải Full HD tỷ lệ 16:9, khả năng hiển thị của laptop từ Asus là khá ấn tượng. Tôi đánh giá cao việc hãng đã cân chỉnh màn hình trước khi xuất xưởng giúp máy tái hiện màu sắc chuẩn xác và bao phủ hết 100% dải màu sRGB. Vì vậy bạn hoàn toàn có thể dùng máy vào các tác vụ chỉnh sửa ảnh, in ấn mà không cần tới các thiết bị cân màu chuyên dụng.
ExpertBook B9 dùng loại màn hình nhám chống chói (matte) nên hạn chế tốt hiện tượng in bóng lên màn hình. Tuy vậy độ sáng tối đa chỉ đạt 300 nit khiến việc dùng máy nơi nhiều ánh sáng bên ngoài hắt vào gặp đôi chút khó khăn. Đây là điểm tôi nghĩ Asus nên chú trọng cải thiện trong thế hệ tiếp theo bởi đối tượng khách hàng thường xuyên di chuyển nên việc dùng laptop dưới điều kiện không lý tưởng như tại sân bay, quán cafe, ngoài trời là điều bình thường. Và các mẫu laptop đối thủ như ThinkPad X1 Carbon G7, HP Elitebook G5 đang làm rất tốt với độ sáng màn hình từ 400 - 500 nit.
Khi ngồi những vị trí thuận sáng như thế này, độ sáng màn hình thấp nên vẫn xảy ra hiện tượng bị lóa, khó nhìn
Nói nhanh về trải nghiệm loa ngoài stereo, được gắn nhãn Harman Kardon nên tôi có phần tò mò về khả năng thể hiện âm thanh của máy. Thực tế cho thấy dải âm mid và treble thể hiện khá ổn, trong trẻo và có độ nền nã nhất định, âm lượng có thể gọi là lớn so với form máy. Nhưng cũng như đa phần laptop Windows khác vốn không quá đầu tư về loa ngoài, dải bass rất yếu và thiếu.
Bàn phím gõ êm, touchpad chưa ấn tượng
Hành trình phím ở mức sâu, đạt 1,5 mm và ít tạo ra tiếng ồn giúp tôi thực sự thích thú khi dùng ExpertBook xử lý công việc mỗi ngày. Chưa dùng qua mẫu laptop Thinkpad nào nên tôi không thể đưa cho bạn sự so sánh rõ ràng nhưng là người đang sở hữu Dell XPS 15, tôi chắc chắn rằng mẫu laptop từ Asus cho trải nghiệm gõ tốt hơn bộ đôi XPS 13|15 của Dell.
Touchpad lại là trang bị khiến tôi cảm thấy có phần hụt hẫng. Đầu tiên là điểm tích cực, tính năng NumberPad tích hợp hoạt động nhanh nhạy, không đem lại cảm giác tự tin như gõ phím số vật lý nhưng nó vẫn tiện hơn nhiều khi so với hàng phím số trên bàn phím của Asus Expert B9.
Máy hỗ trợ driver Windows Precision nên mọi thao tác đa điểm đều được hỗ trợ đầy đủ. Cảm giác vuốt tay, chạm trên touchpad lại chưa thực sự trơn tru, nhẹ nhàng như trang bị trên Dell XPS. Tôi phải vào cài đặt của Windows để tăng độ nhạy touchpad lên cao nhất nhằm cải thiện phần nào. Điểm khó chịu nhất tôi gặp phải là phần mu bàn tay thường xuyên chạm nhầm vào nút kích hoạt NumberPad.
Tạo ấn tượng với khả năng lưu trữ lên đến 2TB
Cấu hình Asus ExpertBook B9 tôi dùng đánh giá thuộc hàng tốt nhất bạn có thể mua tại Việt Nam với CPU Core i7-10510U 4 nhân 8 luồng, GPU Intel UHD 620, 16GB RAM và 2TB SSD. Con số lưu trữ lớn như vậy đến từ việc máy sở hữu 2 ổ 1TB SSD Samsung PM981 cho tốc độ đọc ghi rất cao. Đáng tiếc là không có tùy chọn RAID trên máy để bạn có thể cấu hình mang lại tốc độ cao hơn hoặc có một ổ dự phòng.
Đo tốc độ đọc ghi bằng ứng dụng CrystalDiskMark 6
Hiệu năng của máy mang lại ngang ngửa với các sản phẩm khác cùng phân khúc có cấu hình tượng tự. Lưu ý nhỏ là với chế độ Auto thiết lập trong ứng dụng MyAsus, sức mạnh xử lý của máy bị hạn chế nhằm cân bằng nhiệt độ, độ ồn và cả thời lượng pin hợp lý. Khi bật tùy chọn Turbo lên mới là khi máy bung hết sức mạnh, không hề thua kém đối thủ đến từ Dell hay Lenovo. Bù lại bạn phải chấp nhận nhiệt độ tăng lên (không tới mức khó chịu) và quạt quay ồn hơn.
Sức mạnh xử lý CPU qua ứng dụng CineBench R15
Hiệu năng GPU thể hiện trong phép thử 3DMark 11
Hiệu năng tổng thể đo bằng PCMark 10
Các tác vụ văn phòng cơ bản như Office, đọc bản vẽ thiết kế cho tới việc chỉnh ảnh cơ bản đều được laptop của Asus đáp ứng trọn vẹn. Thử giải trí bằng các tựa game phổ biến như Age of Empires II Definitive Edition, thiết lập đồ họa thấp nhất, độ phân giải Full HD, máy chỉ duy trì mức 13 fps trong phân cảnh đông quân (chạy ở chế độ Auto) và tăng lên khoảng 15 fps nếu bật chế độ Turbo. Trải nghiệm tương tự với CSGO cùng mức thiết lập đồ họa và độ phân giải, máy có thể chạy được ở mức 30 fps và giật nhẹ trong phân cảnh đông người, nhiều hiệu ứng khói nổ.
Những bối cảnh đông quân như thế này trong Empire II máy chỉ chạy được mức dưới 20 fps
Nhìn chung nếu có nhu cầu giải trí với game thì hiển nhiên Asus ExpertBook B9 lẫn các sản phẩm đối thủ sẽ không là lựa chọn của bạn. Nhưng nếu "tất cả vì công việc" và có thú vui chụp ảnh, xem phim thì khả năng lưu trữ cùng màn hình hiển thị tốt sẽ ghi điểm cộng cho đại diện từ Asus.
Các tác vụ văn phòng như PowerPoint việc chèn hiệu ứng, trình chiếu được máy đáp ứng mượt mà
Pin hứa hẹn ấn tượng ở phiên bản 66 Wh
Bên cạnh yếu tố mỏng nhẹ, bảo mật thì pin cũng là trang bị được chú ý nhiều trên những laptop như Asus ExpertBook B9. Máy tôi dùng đánh giá chỉ có viên pin 33 Wh cho thời lượng sử dụng ở mức ổn. Với các tác vụ sử dụng hằng ngày của tôi bao gồm gõ văn bản, check email, trao đổi công việc qua messenger và Zalo, giải trí với tác vụ lướt web, xem Youtube thì mẫu laptop này chịu được khoảng 6 giờ - 6,5 giờ sử dụng với độ sáng màn hình 50%, kết nối tai nghe không dây và chuột không dây.
Asus cho biết hãng đã tối ưu hiển thị cho các nội dung tĩnh như đọc văn bản, xem ảnh bằng công nghệ Panel Self Refresh Technology. Những lúc này GPU sẽ chuyển tần số làm tươi từ mức 60 Hz về trạng thái chỉ hiển thị cố định 1 khung hình nhằm tối thiểu hóa năng lượng tiêu thụ từ màn hình. Nhờ vậy thời lượng sử dụng ở phiên bản pin 66 Wh hoàn toàn có thể vượt mốc 10h với các tác vụ hỗn hợp như trên.
ExpertBook B9 có hỗ trợ công nghệ sạc nhanh. Dùng adapter 65W đi kèm để sạc, máy mất khoảng 25 phút để sạc được 50% pin (tôi thường cắm sạc khi pin còn khoảng 10%) và hơn 2 giờ để đầy hoàn toàn. Hãng cho biết viên pin lithium-polyme trang bị cho máy có độ bền lên tới 2.000 lần sạc trước khi chai còn 80%, hơn hẳn con số 300 - 1.000 trên nhiều mẫu laptop khác hiện nay.
Sau mốc 80%, máy sẽ tự hạ tốc độ sạc lại nhằm đảm bảo tuổi thọ pin
Ai sẽ là người mua chiếc máy này?
Nhìn mặt bằng chung dòng Ultrabook, ở mức giá xấp xỉ 40 triệu trở lên thực sự có quá nhiều lựa chọn chất lượng dành cho người dùng. Tuy vậy sẽ luôn có tập khách hàng nhất định yêu thích lối thiết kế tối giản của Asus ExpertBook B9 cũng như đề cao tính bảo mật, sự bền bỉ. Sự xuất hiện của sản phẩm này tại Việt Nam sẽ làm sôi động thêm thị trường, là lựa chọn mang tính mới bên cạnh các cái tên quen thuộc Thinkpad X1|T, Dell Latitude hay HP Elitebook.