Hôm nay, ngày 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam không đặt mục tiêu tạo ra mạng xã hội để thay thế mạng xã hội nước ngoài vì mỗi mạng có chức năng riêng, không gian riêng, khách hàng riêng nhưng đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet
Năm 2020, Việt Nam sẽ có 90 triệu người dùng mạng xã hội
Trả lời chất vấn về việc có cần phát triển hệ sinh thái số, mạng xã hội Việt Nam hay không, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đặt ra vấn đề đó. Bởi vì, nếu không làm chủ không gian này sẽ rất khó nói tới việc tự chủ nền kinh tế. Ngay sau khi trở thành Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông đã cho thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam, khi đó tất cả các mạng xã hội có khoảng 50 triệu người dùng. Sau một năm, các mạng xã hội Việt Nam tăng trưởng 30% lên 65 triệu người dùng. “Với tốc độ phát triển này và sự ủng hộ ưu tiên dùng hàng Việt Nam của người dân, số lượng người dùng mạng xã hội Việt Nam sẽ chiếm khoảng 90 triệu, tương đương các mạng xã hội nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Lý giải cho mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, hiện giờ nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì… đều xuất hiện trên mạng xã hội. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả đều nằm trên một mạng xã hội và không nằm ở Việt Nam. “Sau này họ sẽ dùng nó vào việc gì, cho dù hiện mới chỉ để quảng cáo? Điều này rất nguy hiểm và đây là an ninh quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Do đó, nếu Việt Nam có không gian riêng, mỗi người sẽ dùng vài mạng xã hội, phân tán dữ liệu và tạo ra sự an toàn.
Bộ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam không đặt mục tiêu tạo ra mạng xã hội để thay thế mạng xã hội nước ngoài vì mỗi mạng có chức năng riêng, không gian riêng, khách hàng riêng. “Việt Nam đã hội nhập, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta có một điều kiện, đó là ai vào đây làm ăn đều phải tuân thủ luật pháp và làm cho Việt Nam thịnh vượng. Các mạng xã hội Việt Nam sẽ song song tồn tại với điều kiện các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp như các mạng trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Tránh bảo hộ ngược các doanh nghiệp xuyên biên giới
Trước câu hỏi mong muốn các mạng xã hội trong nước mạnh lên và nâng dần thị phần, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã từng trao đổi với các doanh nghiệp làm mạng xã hội và đặt câu hỏi có cần đầu tư hay không? Nhưng các doanh nghiệp đều cho rằng không cần, họ chỉ cần doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đối xử bình đẳng giống nhau, tránh tình trạng bảo hộ ngược như đóng thuế hay tuân thủ luật pháp. Khi đó, doanh nghiệp trong nước sẽ phát triển mạnh mẽ. “Đây là trách nhiệm của Bộ TT&TT và chúng tôi sẽ phải xử lý tốt việc này”, Bộ trưởng khẳng định.
Mạng xã hội đã xuất hiện được 15 năm và quy luật cho thấy cứ sau 15 năm là sẽ có nhu cầu mới trên không gian mới. Các mạng xã hội mới có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt như công khai thuật toán, 90% giá trị thu được chia sẻ cho người dùng, cam kết có bộ lọc thông tin xấu độc. Các mạng xã hội mới hiện giờ có cách phát triển cộng đồng riêng, mang tính văn hoá, tạo ra không gian cho riêng mình. “Nếu tiếp cận mạng xã hội theo cách mới và có những doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, tôi tin rằng chúng ta toàn toàn có thể chiếm được thị phần xứng đáng như năm 2020 sẽ có khoảng 90 triệu người dùng”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.
Đối với mạng xã hội Lotus, hiện có thường xuyên 1 triệu người sử dụng và công ty phát triển cũng muốn tạm dừng ở cột mốc này để “rà trơn”, chấn chỉnh lại. Sau khi thấy ổn, thuận lợi mới đưa ra chiến dịch truyền thông, quảng cáo trong giai đoạn tiếp theo để tăng số lượng người dùng. “Tôi thấy đây là cách tiếp cận tốt và kiến nghị nên đi theo hướng phát triển này”, Bộ trưởng cho biết thêm. Sau khi mạng xã hội Lotus đạt mốc 5 triệu người dùng, Bộ TT&TT sẽ có đánh giá về an toàn thông tin, hạ tầng kỹ thuật và “nếu thấy đạt yêu cầu sẽ kiến nghị cơ quan quản lý sử dụng”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ xây dựng những nền tảng mạng xã hội có số lượng người dùng lớn, tương đương với nước ngoài, có chức năng không chỉ đảm bảo thông tin liên lạc mà còn có thể làm ăn kinh tế. Các mạng xã hội của Việt Nam đều do doanh nghiệp tư nhân thực hiện, nhà nước không có nguồn chi phí để thực hiện. Bộ TT&TT đóng vai trò tạo hành lang pháp lý, khuyến khích các doanh nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức, bỏ tiền ra để đầu tư để đất nước, xã hội tốt đẹp hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.