Giải thưởng nhiếp ảnh danh giá Insight Investment Astronomy Photographer of the Year vừa công bố những tuyệt tác đã chiến thắng cuộc thi năm nay. Dù đó là những tinh vân cách xa chúng ta khoảng cách đo bằng năm ánh sáng cho tới những cực quang xuất hiện ngay trên bầu trời Trái Đất, tất cả đều mở ra những khung cảnh mới lạ, đẹp tuyệt vời cho “người phàm” chúng ta thưởng thức. Trước cái đẹp kỳ lạ của không gian, khó có thể bỏ qua cảm giác nhỏ bé nhen nhóm trong tâm hồn ta.

Đây đã là lần thứ 12 cuộc thi diễn ra. Năm nay, giám khảo đã phải nai lưng ra chọn tấm ảnh chiến thắng trong tổng số 5.000 tác phẩm dự thi. Nhiếp ảnh gia người Pháp là Nicolas Lefaudeux với tấm ảnh chụp thiên hà Andromeda đã giành giải nhất trị giá 10.000 bảng Anh, tương đương 297,8 triệu VNĐ.

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 1.

Tấm ảnh Andromeda ấn tượng đã giành giải nhất.

Cách chụp khéo léo của Lefaudeux khiến thiên hà cách ta 2 triệu năm ánh sáng hiện ra ngay trong tầm với. Tấm ảnh có được hiệu ứng nghiêng ống kính đặc biệt là nhờ anh Lefaudeux sử dụng một miếng vật liệu được in 3D nhằm giữ vừng máy ảnh, bên cạnh đó, hiệu ứng mờ là do công nghệ kiểm soát mất nét áp dụng lên viền ngoài tấm ảnh.


Quý cô màu xanh

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 3.

Bức ảnh chiến thắng hạng mục Cực quang.

Đây là ảnh cực quang phương Bắc được chụp tại Na Uy bởi nhiếp ảnh gia Nicholas Roemelt. Trong ảnh, một hình hài thanh thoát như người con gái hiện hữu dưới những màu sắc xanh lá, xanh dương và màu hồng.


Khu vực hố thiên thạch Tycho được tô thêm màu

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 5.

Bức ảnh chiến thắng hạng mục Mặt Trăng của ta.

Màu của đất Mặt Trăng vốn không hiện hữu dưới con mắt “người phàm”. Trong ảnh, những nơi màu xanh dương rất giàu oxit titan, còn khu vực màu đỏ chính là oxit sắt - bằng chứng cho thấy Mặt Trăng đang “gỉ”.


Mặt Trời không đơn giản là một khối cầu tròn, to và đỏ

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 7.

Bức ảnh chiến thắng hạng mục Mặt Trời của ta.

Bề mặt Mặt Trời hiện ra chi tiết trong thời kỳ cực tiểu (thời điểm Mặt Trời ít hoạt động nhất trong chu kỳ 11 năm), và nhiếp ảnh gia Alexandra Hart đã may mắn chụp được khoảnh khắc quý giá. Các khối plasma nằm san sát nhau trên bề mặt Mặt Trời, và mỗi khối có bề ngang lên tới 1.000 km.


Song sắt của công nghệ bủa vây Trái Đất

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 9.

Bức ảnh chiến thắng hạng mục Con người và Không gian.

Tấm ảnh của Rafael Schmall là ví dụ rõ ràng cho thấy ảnh hưởng của vệ tinh lên bầu trời ngắm sao, khiến cho cả các nhà nghiên cứu lẫn những nhiếp ảnh gia/nhà thiên văn học nghiệp dư không còn bầu trời quang đãng để tác nghiệp. 


Bầu trời đẹp như tranh vẽ

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 11.

Bức ảnh chiến thắng hạng mục Bầu trời.

Bầu trời vùng cực dưới bàn tay bấm máy của Thomas Kast. Các tông màu đan vào nhau khiến ta có cảm giác như ai đó cầm cọ vẽ nên trời vậy, nhưng thực chất, đó là hiệu ứng của mây trong tầng bình lưu. Một điểm đáng buồn cười: nhiếp ảnh gia Kast đang cố gắng chụp được bầu trời quang đãng thì tấm ảnh đoạt giải này xuất hiện.


Khoảng cách đôi ta

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 13.

Bức ảnh chiến thắng hạng mục Hành tinh, Sao chổi và Thiên thạch.

Vào ngày 31/10/2019, nhiếp ảnh gia người Ba Lan Łukasz Sujka chụp được góc nhìn có một không hai với cặp thiên thể là Mặt Trăng và Sao Mộc. Anh nói rằng mình “muốn cho mọi người thấy khoảng không khổng lồ và kích cỡ của không gian, ấy là lý do vì sao có nhiều quá nhiều khoảng trống giữa hai phần bức ảnh”.


Hỏa ngục Vũ trụ

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 15.

Bức ảnh chiến thắng hạng mục Sao và Tinh vân.

Nhiếp ảnh gia Peter Ward chụp tinh vân NGC 3576 rồi loại bỏ toàn bộ các chấm sao sáng đi, với mục đích tái dựng lại hình ảnh đám cháy rừng Úc trong giai đoạn 2019-2020.


Bốn hành tinh và ngôi nhà chị Hằng

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 17.

Bức ảnh chiến thắng hạng mục Tài năng trẻ.

Cô bé 11 tuổi Alice Fock Hang chụp được tấm ảnh này khi ngước nhìn lên bầu trời phía trên Ấn Độ Dương. Trong ảnh là Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Thủy, Sao Mộc và Sao Thổ; thậm chí em còn chụp được cả hệ sao Alpha Centauri - hệ sao gần Hệ Mặt Trời nhất ở khoảng cách 4,37 năm ánh sáng (trong ảnh, Alpha Centauri ở tận cùng bên trái) và sao Antares, một trong những thiên thể sáng nhất trời đêm và là ngôi sao sáng nhất chòm Scorpius.


Rực

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 19.

Bức ảnh thắng mục Thành viên mới tham dự.

Đây là tinh vân NGC 1499 với màu sắc gần giống nguyên bản nhất: nhiếp ảnh gia Bence Toth cố gắng lưu giữ toàn bộ màu sắc có thể.


NGC 3628 với cái đuôi dài 300.000 năm ánh sáng

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 21.

Bức ảnh giải nhì trong mục Thiên hà.

Mất 5 năm, nhiếp ảnh gia Mark Hanson mới tạo ra được tấm ảnh này, đa số các tấm ảnh phơi sáng được chụp năm 2019. Cái đuôi khổng lồ, dài đến mức tính bằng đơn vị năm ánh sáng là phần khó chụp nhất, ấy là lý do anh Hanson mất nhiều thời gian cho tác phẩm này đến vậy.


AZURE

Bồi đắp tình yêu với Vũ trụ thông qua những tấm ảnh đoạt giải cuộc thi nhiếp ảnh danh giá - Ảnh 23.

Bức ảnh được đánh giá cao trong mục Con người và Không gian.

Đây không phải là cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh, nhưng cũng không hoàn toàn là hiện tượng tự nhiên. Nhiếp ảnh gia Yang Sutie chụp được những đốm sáng còn vương lại sau khi tàu của Thử nghiệm Tên lửa Upwelling Vùng Cực quang AZURE lên không từ Trung tâm Vũ trụ Andøya; khi nhiên liệu tên lửa cháy trên bầu khí quyển, những đốm sáng kia sẽ xuất hiện.

Tham khảo Gizmodo