Một ngành công nghiệp đồ uống mới đang nhăm nhe chớm nở. Bạn đã từng bao giờ nghe thấy rượu hay bia được bổ sung thêm vitamin C hay chưa? Nhiều hãng đồ uống đang cố gắng tạo ra các sản phẩm có cồn nhưng tạo ra được cảm giác "lành mạnh" và "tốt cho sức khỏe".

Họ rút bớt đường ra khỏi sản phẩm, thêm vào đó các thành phần như nước dừa, chất điện giải, vitamin, chất chống oxy hóa, tinh chất từ quả acerola hoặc damiana... Các loại rượu, bia hoặc đồ uống có cồn này sau đó được quảng cáo rằng có thể giúp bạn giảm căng thẳng, lo âu, tăng cường khả năng tình dục và thậm chí được sử dụng cho cả các vận động viên.

Phân tích tài chính của S & P Global dự đoán thị trường các loại đồ uống có cồn "lành mạnh" này có thể bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới, tăng giá trị lên gấp đôi từ 1,75 tỷ đô la năm 2019 lên 3,5 tỷ đô la vào năm 2020.

Không quá khó hiểu. Nếu bia rượu trở nên tốt hơn, với ít tác hại hơn, sẽ có nhiều người chọn uống chúng hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các sản phẩm mới như bia bổ sung vitamin C có thực sự lành mạnh hay không? Và bạn có được lợi ích gì khi uống chúng?

Bổ sung vitamin C và khoáng chất vào bia rượu có biến chúng thành đồ uống lành mạnh không? - Ảnh 1.

Một khi còn chứa cồn, rượu bia sẽ còn hại bạn

Điều đầu tiên cần phải làm rõ, đó là rượu, bia, hay các đồ uống có cồn nói chung đều ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của bạn ngay lập tức và có tác động đến sức khỏe lâu dài. Những tác động này đến từ cồn có trong đó.

Cho dù bạn có bổ sung vitamin C hay rút bớt đường ra khỏi rượu, bia, cồn sẽ vẫn là thành phần không thể loại bỏ. Ethanol (loại cồn mà chúng ta uống) là một chất độc. Cơ thể chúng ta không thể sử dụng cồn vào bất kỳ mục đích có lợi nào. Ngược lại, cồn cản trở các quá trình sinh hóa quan trọng giúp chúng ta sống và phát triển.

Ngay khi chúng ta uống ethanol vào người, gan của chúng ta đã nhanh chóng phân giải nó thành các hóa chất ít độc hại hơn, cuối cùng bài tiết nó ra ngoài, Ryan Andrew, chuyên gia dinh dưỡng tại Precision Nutrition giải thích.

Ethanol cũng là một chất lợi tiểu. Nó khiến thận của bạn làm việc mạnh hơn, rút nhiều nước hơn ra khỏi máu. Đó là lý do tại sao bạn lại đi tiểu nhiều hơn khi bạn uống rượu, bia và tại sao bạn thường thức dậy vào ngày hôm sau với một bàng quang đầy nước tiểu.

Quá trình bài thải ethanol được ưu tiến hơn tất thảy quá trình trao đổi chất khác, một khi bạn uống rượu. Đó là vì cơ thể nhận diện ethanol như một chất độc cần phải loại bỏ. Nó sẽ tạm hoãn việc các quá trình khác lại, chẳng hạn như sử dụng protein để sửa chữa mô và hấp thụ các vitamin và khoáng chất trong thực phẩm của chúng ta ăn.

Do đó, những dưỡng chất trong thức ăn mà bạn ăn trong bữa nhậu sẽ được hấp thụ kém hơn. Và những người nghiện rượu bia, thường cũng sẽ bị suy dinh dưỡng, mặc dù họ có ăn nhiều đi chăng nữa.

Bổ sung vitamin C và khoáng chất vào bia rượu có biến chúng thành đồ uống lành mạnh không? - Ảnh 2.

Còn điều gì có thể tệ hơn nữa hay không? Có! Khi bạn uống rượu, bia, ethanol bị phân giải trong gan của bạn sẽ di chuyển đến ruột non và ruột già, nơi hầu hết các chất dinh dưỡng được hấp thụ.

Christina Lebonville, một nhà nghiên cứu về ethanol tại Đại học Y Nam Carolina, cho biết ethanol được chuyển hóa ở đây có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, khiến vi khuẩn xấu phát triển mạnh hơn các lợi khuẩn, làm tăng tính thấm của thành ruột.

Theo thời gian, rượu bia sẽ làm thay đổi niêm mạc ruột của bạn, khiến các độc tố dễ dàng hấp thụ qua để đi vào máu. Rượu, bia, đồ uống có cồn nói chung đều làm tăng nguy cơ phát triển nhiều căn bệnh bao gồm cả ung thư, Mitch Lebonville nói.

Do đó, chúng ta không thể có loại rượu bia hay đồ uống có cồn nào lành mạnh hoặc tốt cho sức khỏe, khi mà bản thân chúng vẫn chứa cồn. Chúng ta không thể có một loại đồ uống nào như vậy, bởi ethanol có mặt trong đó đã là một vấn đề.

Chúng ta có thể thêm vitamin và khoáng chất vào để bù đắp tác động tiêu cực của rượu?

Không. Ethanol là ethanol, cho dù bạn uống nó ăn kèm với sô cô la hay cố ăn nhiều rau xanh cho có vitamin thì cũng là vô nghĩa. "Vitamin C không ngăn chặn quá trình sản sinh acetaldehyd [một sản phẩm phụ của sự phân giải ethanol là nguyên nhân khiến bạn bị say], cũng như các tác động chuyển hóa bất lợi của lạm dụng rượu", giáo sư Russell Turner tại Đại học Oregon cho biết.

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy rằng uống rượu có thể ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ vitamin C của bạn. Do đó, bổ sung vitamin C vào rượu bia và đồ uống có cồn không phải là một ý tưởng hiệu quả.

Bổ sung vitamin C và khoáng chất vào bia rượu có biến chúng thành đồ uống lành mạnh không? - Ảnh 3.

Bổ sung khoáng chất hay chất điện giải vào bia rượu cũng vậy. Về mặt lý thuyết, chất điện giải sẽ ngăn cơ thể bạn bị mất nước trong quá trình tiết mồ hôi. Nhưng lượng ít chất điện giải có trong đồ uống có cồn sẽ không bù đắp lại được lượng nước mà bạn bị mất qua quá trình đào thải ở thận.

Và bạn cũng không thể cho nhiều chất điện giải vào bia rượu, chúng sẽ khiến đồ uống của bạn có vị mặn. "Tôi không chắc mình sẽ chọn loại thức uống này cho những buổi tập luyện nặng mỗi cuối tuần", Turner nói. Bản chất của bia rượu khiến bạn bị mất nước, do đó, nó sẽ khiến bạn kiệt sức.

Ngoài ra, bất kể một loại đồ uống chứa cồn nào, dù được thêm vitamin hay khoáng chất đều vẫn sẽ khiến bạn bị say như thường. Cảm giác nôn nao bắt nguồn từ việc ethanol bị phân giải thành acetaldehyd và quá trình này vẫn diễn ra như bình thường với sự có mặt của vitamin và khoáng chất.

Bổ sung vitamin C và khoáng chất vào bia rượu có biến chúng thành đồ uống lành mạnh không? - Ảnh 4.

Một hiệu ứng giảm say duy nhất mà các loại bia rượu có thể làm được, đó là loại bỏ sulfit ra khỏi sản phẩm của mình. Sulfit thường được thêm vào để bảo quản rượu vang và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng nôn nao, đặc biệt là chứng đau đầu ở những người nhạy cảm với sulfit.

Tuy nhiên, ước tính chỉ có khoảng 1% dân số nhạy cảm với sulfit có thể hưởng lợi ích khi nhà sản xuất loại bỏ thành phần này khỏi rượu của mình. Bản thân họ đã dễ say hơn bình thường. Những người không nhạy cảm với sulfit sẽ cảm thấy hai loại rượu này là như nhau.

Rượu có thể là một phần của lối sống tổng thể lành mạnh, nhưng bản thân rượu sẽ không bao giờ là thức uống lành mạnh

Các công ty bia rượu có một cách để làm giảm ảnh hưởng lâu dài của đồ uống có cồn, đó là giảm nồng độ cồn trong đó. Nhưng giảm nồng độ cồn sẽ là vô nghĩa, nếu mục đích ban đầu của các buổi nhậu vẫn là uống đến khi say.

Điểm mấu chốt để giảm tác hại của bia rượu tới sức khỏe là bạn phải nạp ít ethanol vào cơ thể mình. Khi đó, uống ít hơn cũng giúp bạn đạt được lợi ích của việc chọn loại bia rượu có nồng độ cồn thấp hơn.

Bổ sung vitamin C và khoáng chất vào bia rượu có biến chúng thành đồ uống lành mạnh không? - Ảnh 5.

Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận việc uống bia rượu sẽ đem lại niềm vui, giúp tăng cường các mối quan hệ xã hội và có thể từ đó tăng cường sức khỏe tinh thần của bạn. Nhưng Andrew cho biết có một ranh giới rất mong manh giữa việc tăng cường sức khỏe và gây hại cho sức khỏe.

Uống quá một hoặc 2 đơn vị rượu mỗi ngày có thể làm suy giảm hoạt động hấp thụ dinh dưỡng, tăng các nguy cơ xấu ảnh hưởng tới sức khỏe và dẫn đến bệnh tật. Bất kể loại đồ uống có cồn mà bạn chọn được quảng cáo như thế nào đi chăng nữa, nó cũng không tốt hơn trừ khi nồng độ cồn thấp hơn, bia rượu sẽ giảm được tác hại trên cùng một thể tích tiêu thụ.

Do đó, các sản phẩm bia rượu, đồ uống có cồn được bổ sung vitamin C, chất chống oxy hóa hay khoáng chất sẽ không phải là một công thức giúp bạn có thể uống nhiều hơn để khỏe mạnh hơn. Đừng để mình bị biến thành con mồi của những chiêu trò quảng cáo ấy.

Tham khảo Vice