Telegram - ứng dụng nhắn tin được sử dụng rộng rãi trong các nhà đầu tư tiền số - sắp cho ra mắt nền tảng blockchain và cả 1 đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, Cointelegraph dẫn nguồn tin thân cận cho biết. Theo đó nền tảng mới sẽ được đặt tên là TON, có thể được hiểu là “The Open Network” hoặc “Telegram Open Network, và sẽ dựa trên một phiên bản được cải tiến của công nghệ blockchain.
Những tin tức đầu tiên về nền tảng mới xuất hiện cách đây ít ngày, từ tài hoản Facebook của Anton Rozenberg, 1 cựu nhân viên của Telegram. Rozenberg đăng lên Facebook 1 video mà anh cho là để quảng cáo cho TON (nguồn của video không được tiết lộ). Theo Rozenberg, TON sẽ hỗ trợ cho những người muốn thoát khỏi sự kiểm soát của các chính phủ vì nó sẽ cho phép người dùng dễ dàng chuyển tiền qua ứng dụng nhắn tin.
Nền tảng TON sẽ có đồng tiền số riêng với tên gọi là “Gram”, được tích hợp vào rất nhiều ứng dụng nhắn tin thông dụng. TON cung cấp những ví điện tử rất nhẹ, cho phép người dùng không cần tải xuống cả một blockchain quá lớn và khó sử dụng.
Không giống như hầu hết các nền tảng khác phải mất một thời gian dài để xây dựng hệ sinh thái, TON có lợi thế từ 180 triệu người dùng đang sử dụng ứng dụng Telegram (theo số liệu của Bloomberg). Telegram cũng đang rất được cộng đồng blockchain ưa chuộng, thậm chí nhà đồng sáng lập Pavel Durov của Telegram từng tuyên bố “toàn bộ cộng đồng blockchain và tiền số đã được bê nguyên si sang Telegram”.
Cuộc đời bí ẩn của “cha đẻ” Telegram
Năm 2013, Pavel Durov – một doanh nhân trẻ tuổi (sinh năm 1984) người Nga cùng với anh trai cho ra mắt Telegram. Là ứng dụng có tính bảo mật rất cao, do đó được những người sống lưu vong và cả các phần tử khủng bố đặc biệt ưa chuộng. Theo Bloomberg, Telegram chiếm khoảng 40% lưu lượng truy cập Internet ở Iran. Chính phủ Iran thậm chí đã buộc tội Durov (trong phiên tòa xử vắng mặt) là khủng bố.
Tuy nhiên chắc chắn Durov sẽ chẳng quan tâm đến điều này. Lập ra mạng xã hội lớn nhất nước Nga – VK – từ năm 20 tuổi và đã xây dựng nó thành đế chế có trị giá hơn 3 tỷ USD, Durov được mệnh danh là “Mark Zuckerberg của nước Nga”. Nhưng khác ở chỗ anh tỏ thái độ bất hợp tác với yêu cầu về quản lý của Chính phủ Nga. Và trong khi Zuckerberg chọn phương thức IPO để huy động vốn, Durov sử dụng ICO để thu hút tiền bạc phát triển ý tưởng của mình.
Sau khi bán VK cho tỷ phú Alisher Usmanov (người đứng sau Mail.ru và đang sở hữu 100% cổ phần của VK), Durov rời khỏi nước Nga và được cho là mang theo 300 triệu USD cùng với 2.000 bitcoin tới đầu tư vào đảo St. Kitts and Nevis để trở thành công dân ở đây.
Cách chỉ đạo của “Zuck nước Nga” cũng theo kiểu “lén lút” để tránh bị theo dõi. Anh dùng tới 3 số điện thoại khác nhau, nhưng rất ít khi trao đổi công việc qua điện thoại. Telegram được xây dựng tại một văn phòng nhỏ ở Berlin. Nhưng giờ, nhân viên công ty lại làm việc tại nhiều nơi khác nhau, chủ yếu họ đặt phòng qua Airbnb.com và thay đổi vị trí liên tục.
Lý giải cho việc này, Durov nói rằng làm như vậy sẽ giúp công ty tránh bị lôi cuốn vào chính trị hay kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Telegram càng được chú ý hơn khi cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ các chương trình theo dõi của chính phủ Mỹ vào năm 2013 nhắm vào các công ty công nghệ cao, bao gồm Facebook, Google và Apple.
Từng có tin đồn cho rằng Facebook thâu tóm Telegram nhưng Durov đã ngay lập tức phủ nhận với tuyên bố “dù cho giá là 20 tỷ USD cũng sẽ không bán”, vì Telegram không phải là thứ để bán.