Pavel Durov, 33 tuổi, đã "đùa giỡn" với công nghệ khá nhiều từ khi anh bị buộc phải bán số cổ phần còn lại trong mạng xã hội lớn nhất nước Nga - VK - cho một tỷ phú thân Chính quyền Nga vào năm 2014. Dịch vụ tin nhắn mã hoá mà anh đang phát triển - Telegram - được anh tự hào tuyên bố là "không thể bị hack", đã có khoảng 180 triệu người dùng, trong đó chỉ riêng tại Iran đã có 40 triệu, và cứ mỗi ngày trôi qua lại có khoảng nửa triệu người dùng mới tham gia. Pavel Durov hiện tạm thời yên vị tại Dubai sau hơn 3 năm "vạ vật" khắp các quốc gia trên toàn thế giới.


Pavel Durov

Pavel Durov

Pavel và anh trai mình là Nikolai - một nhà toán học và lập trình viên từng đoạt nhiều giải thưởng, đã tinh chỉnh ứng dụng Telegram của mình trong suốt thời gian di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác nhằm né tránh các nhà tuyển dụng từ các tổ chức gián điệp và lực lượng hành pháp như FBI (Pavel cho rằng một số nhân viên FBI đã tìm cách mua chuộc một trong các lập trình viên của anh tại San Francisco). Vị trí của các máy chủ Telegram là hoàn toàn bí mật, cũng như tên các nhân viên của anh, trong đó có nhiều người là các triệu phú!

"Tôi rất thích nơi này. Nó phát triển rất nhanh, như một startup vậy" - Pavel nói khi ngồi trong một nhà hàng nhìn ra bến du thuyền, không xa văn phòng mới của anh trên tầng 23 một toà nhà chọc trời ở Dubai Media City.

Assange, Snowden

Mặc một chiếc áo thun và quần jean đen, anh chàng đến từ St. Petersburg nói rằng anh đang dự định tuyên bố "một thứ rất lớn" trong năm mới sắp đến. Từ khi rời khỏi quê nhà với khoảng 300 triệu USD có được sau khi bán VK và 2.000 bitcoin, Pavel Durov đã sống ẩn mình cho đến lúc này bởi nhiều lý do khác nhau.

Đầu tiên, Pavel có quan hệ với hai trong số những nhân vật bị truy nã có ảnh hưởng nhất đối với chính quyền Mỹ là Julian Assange và Edward Snowden. Nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange đã khích lệ công nghệ mã hoá của Telegram, còn cựu nhân viên NSA Edward Snowden thì được Pavel cho một việc làm sau khi anh này đến Moscow năm 2013.


Julian Assange và Edward Snowden

Julian Assange và Edward Snowden

Thứ hai là Iran: mới đây nước này đã tuyên Pavel Durov phạm tội vắng mặt bởi việc Telegram quá phổ biến trong giới khủng bố, buôn người và ấu dâm. Tuy nhiên anh chàng này có vẻ vẫn chẳng lo lắng gì, kể cả khi anh đang phải đối đầu với một quốc gia vẫn đang tìm cách xử tử một tiểu thuyết gia vì một cuốn sách ông viết cách đây 3 thập kỷ.

"Tôi bị thúc đẩy bởi sự tò mò. Việc điều hành một nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại một quốc gia như Iran quả là siêu hấp dẫn" - Anh nói.

Tại Iran, Twitter và Facebook đều bị cấm, và Telegram trở thành điểm đến của khoảng 40% lượng truy cập Internet của Iran dù bị các nhà mạng không dây địa phương đề nghị chính quyền cấm chức năng gọi điện mã hoá mà Pavel Durov vừa tung ra hồi tháng 4.

Telegram là ứng dụng mã nguồn mở, hoạt động trên mọi thiết bị di động và PC, hiện là "nhà" của khoảng 500.000 kênh (channel) tiếng Ba Tư nơi người dùng có thể đăng tải đủ thể loại nội dung để những người khác theo dõi miễn phí.

Telegram không yêu cầu người dùng phải biết số điện thoại của người khác để có thể trò chuyện mà chỉ cần biết tên đăng nhập. Hàng ngàn người sử dụng các hệ điều hành khác nhau có thể tạo các cuộc nói chuyện cực kỳ bảo mật cho riêng mình và chia sẻ các loại tập tin đính kèm. Đó cũng chính là lý do mà các binh sỹ IS sử dụng ứng dụng này khá nhiều. Durov cho biết anh đang phát triển tính năng tìm kiếm để giúp lọc bỏ các nội dung cực đoan, nhưng dữ liệu cá nhân sẽ luôn được bảo vệ.

"Đảm bảo trọn đời"

Một điều mà ông trùm Internet người Nga này ít khi qua tâm đến khi viết nên Telegram là lợi nhuận. Durov xem Telegram là một quỹ từ thiện, và anh dự định sẽ kiếm một tí tiền từ nó nhưng cũng chỉ vừa đủ để mở rộng dịch vụ mà thôi. Và cũng không như sản phẩm đầu tay VK - vốn chịu áp lực chính trị từ chính quyền Nga bởi nó đóng trụ sở tại Nga, anh cho rằng Telegram là bất khả xâm phạm, không ai có thể mua được, bằng bất kỳ giá nào.

Trong khi tác giả các ứng dụng đối thủ như WhatsApp và Skype cuối cùng đều chấp nhận bán sản phẩm của mình, Durov nói a sẽ tiếp tục từ chối các lời đề nghị từ một số tên tuổi lớn đến từ thung lũng Silicon. Anh không nêu rõ họ là ai, nhưng anh cho rằng họ định giá Telegram vào khoảng 3 - 5 tỷ USD.

"Ngay cả khi nhận được 20 tỷ USD, nó cũng không phải để bán. Đó là lời đảm bảo trọn đời" - Durov nói.

Khi Facebook mua WhatsApp vào năm 2014, họ đã phải bỏ ra 40 USD cho mỗi người dùng. Durov đã dùng cách tính này để ước lượng giá trị của Telegram. Nhưng đó không phải là một so sánh hoàn hảo bởi Telegram đang ngày càng trở thành một nền tảng truyền thông xã hội, bởi hiện nay thị trường ứng dụng nhắn tin đã quá đông đúc.

Bitcoin, Thuế

Dù sở hữu khối tài sản đáng mơ ước nhưng Durov lại ít khu vung tiền vào một thứ gì đó, trừ một vài thương vụ mua bán chiến lược. Anh cho biết đã mua một ít bitcoin với giá 750 USD/bitcoin cách đây 4 năm, và hiện số bitcoin này đã tăng giá trị từ 1,5 triệu USD lên hơn 35 triệu USD. Anh cũng đầu tư vừa đủ vào St. Kitts và Nevis để có thể trở thành một công dân của quốc gia Caribe này.

Pavel Durov nói rằng anh lạc quan về bitcoin bởi nó là "vàng số". Là người điều hành một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới, Pavel đặc biệt phấn khích khi có thứ gì đó "hoàn toàn không thể dự đoán được" xảy ra - "như hiện tại, toàn bộ cộng đồng blockchain và tiền mã hoá vừa chuyển sang dùng Telegram".

Nói về lý do chọn Dubai làm nơi ở, anh cho biết đó là bởi vùng miễn thuế:

"Đó là vấn đề về nguyên tắc. Nhiều người châu Âu không nhận ra được thuế đã giới hạn các lựa chọn của họ như thế nào. Bạn có thể phải dùng gần như nửa số thu nhập của bạn để trả thuế, tức là bạn đang làm việc cho chính phủ 180 ngày mỗi năm. Tôi nghĩ tôi có thể tìm ra những cách tốt hơn để tiêu tiền mình làm được vì lợi ích xã hội".

Tất nhiên sống ở một quốc gia bảo thủ về mặt xã hội như UAE cũng có những mặt trái:

"Nếu tôi là gay thì sẽ khó khăn hơn đôi chút. Hoặc nếu tôi thèm rượu suốt ngày, hoặc ăn thịt heo nữa".

Pavel Durov là một con người của mâu thuẫn: anh chàng này có thể tung một tấm hình ngực trần lên Tinder, nhưng lại từ chối chụp hình để lên báo, hay mời phóng viên đến văn phòng, rồi lại đổi ý 180 độ.

Tham khảo: Bloomberg