Trong nhiều năm liền, các phim chuyển thể từ truyện tranh đã tạo nên cả một trào lưu trên màn ảnh. Chúng có thể bám sát hoặc phóng tác dựa trên nguyên tác sẵn có. Trước khi Marvel thống nhất mảng miếng điện ảnh khổng lồ của mình dưới vũ trụ điện ảnh ( MCU ) thì một trong những thương hiệu phim siêu anh hùng từng làm mưa làm gió màn ảnh phải kể tới loạt X-Men ra đời từ những năm 2000.
Dù nguyên tác truyện tranh X-Men nổi đình nổi đám thập niên 80 và đầu những năm 90, thì fan của loạt truyện tranh cũng không thể ngờ họ có thể chứng kiến cuộc phiêu lưu của những dị nhân mình yêu mến trên màn ảnh sớm đến vậy. Thành công của ba phim X-Men đã mở ra tương lai cho các phim siêu anh hùng . Thế nhưng trong khi MCU đã nhanh chóng xác lập được vị thế của một thương hiệu điện ảnh rộng lớn và bền chặt, với từng tác phẩm gắn kết lớp lang thì X-Men sau 20 năm thậm chí còn phá tan hoang những viên gạch đầu tiên mà nhà sản xuất dày công dựng nên. Cứ làm như việc dòng thời gian bị xới tung lên còn chưa đủ, các phim X-Men giờ đây còn không màng tới phần nội dung dù chúng trở nên vô lý tới đâu.
Từ một phần trilogy (bộ ba) tương đối hoàn chỉnh
Ba phần phim X-Men ban đầu kéo dài từ năm 2000 tới 2006 đã tạo nên một thế giới dị nhân khá đầy đủ với các nhân vật quan trọng như Magneto, giáo sư X, Mystique... Quan trọng hơn, ba phần phim trong trilogy này có kết cấu chặt chẽ tuân theo mạch thời gian diễn tiến đã cho khán giả một trải nghiệm thống nhất đặc biệt hai phần đầu là X-Men và X2. Sang đến The Last Stand, mọi chuyện dường như đã bắt đầu trở nên mờ mịt. Vấn đề với The Last Stand là bộ phim đã nhồi nhét quá nhiều nhân vật vào một cái kết khá "tù". Vậy làm thế nào để có thể tiếp tục "vắt sữa" một thương hiệu khi nó đã kết liễu 3 nhân vật quan trọng nhất của mình? Dễ thôi mà: tiền truyện (prequel).
X-Men: First Class : Chiếc công tắc diệu kỳ khởi động lại dòng thời gian dị nhân
Nhưng thay vì dẫn tới tương lai tươi sáng, First Class lại mở ra tương lai đầy hỗn loạn cho các dị nhân.
Thay vì bước tiếp khỏi chiếc cầu Cổng Vàng tan nát sau sự kiện The Last Stand, các phim X-Men sau năm 2006 đâm đầu vào khai thác những sự kiện trước đó bằng cách thiết lập lại dòng thời gian. X-Men Origins: Wolverine ngược dòng quá khứ quay về những ngày tháng "trẻ trâu" của Wolverine nhưng thật sự chúng ta không nên bàn nó ở đây bởi nó quá thất bại. X-Men: First Class thì được coi là vị cứu tinh cho loạt phim về dị nhân khi khai thác thời thanh xuân của Magneto và Giáo sư X. Có vẻ như đạo diễn Matthew Vaughn đã đưa mọi thứ về quỹ đạo ổn định như ban đầu, dù rằng mọi thứ đang đi ngược hướng. First Class được fan yêu mến, giới mộ điệu khen ngợi và dàn diễn viên thì được tung hô.
Thế nhưng cũng chính từ đây mọi chuyện bắt đầu trở nên tan nát.
Có quá nhiều thứ được kết nối với nhau
X-Men: Days of Future Past (2014) và X-Men: Apocalypse (2016) cố gắng ép mọi thứ phải liên kết với nhau.
Bản thân First Class không có tội, nó là một bộ phim hay. Thế nhưng thay vì tập trung vào dàn nhân vật này và kể tiếp câu chuyện, thì Fox lại ngúng nguẩy đi làm một phần phim riêng về Wolverine năm 2013. Tới đây mọi thứ vẫn có thể được cứu vãn nếu như Fox phát triển thành hai mạch chuyện song song. Nhưng không, hậu credit của The Wolverine lại cố gắng kết nối với mạch thời gian của X-Men. X-Men: Days of Future Past (2014) lại cố một lần nữa để mở ra một câu chuyện lớn hơn cho khán giả. Nó đã suýt thành công, nhưng đó là "suýt".
Tương lai nào chờ đón các X-Men?
Days of Future Past là hành trình du hành thời gian với mục đích sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ, tuy nhiên phải chịu nguy cơ "lợn què chữa thành lợn què hơn" khi làm dòng thời gian của X-Men càng thêm hỗn loạn. Ngược thời gian trở lại thập niên 70, đạo diễn Bryan Singer và biên kịch Simon Kinberg đã xóa sổ sự tiếp nối của The Last Stand và X-Men: Origins. Nhấn chiếc nút "reset" một phát, và con tàu X-Men chạy ngược một lần nữa lăn bánh, chỉ có điều lần này đi quá vội và quá ẩu.
Tuổi tác lẫn lộn
Trong X-Men: The Last Stand lấy bối cảnh đầu thế kỷ 21, chúng ta thấy Psylocke là một cô nàng dị nhân tuổi teen. 10 năm sau, chúng ta lại thấy Psylocke lần này đóng hẳn vai lớn trong Apocalypse - bộ phim lấy bối cảnh năm 1983. Những nhân vật khác như Warren Worthington III, Emma Frost và Cyclops cũng chịu chung số phận "trẻ mãi không già" như vậy. Điều đó chứng tỏ các bộ phim dở vẫn có thể ảnh hưởng tới những tượng đài điện ảnh đã dựng lên từ trước đó.
Chỉ mới 8 năm mà anh đã "nhàu" thế này rồi, mấy cái phim du hành thời gian thật đáng sợ.
Giữa các sự kiện trong First Class và Apocalypse là khoảng cách 2 thập kỷ. Bạn có thể cãi là họ trẻ lâu, thế nhưng giải thích thế nào khi Michael Fassbender trong trailer của Dark Phoenix chỉ kém 8 tuổi so với nhân vật Magneto của Ian McKellen bởi bộ phim lấy bối cảnh năm 1992?
Cả Jean Grey nữa trời ạ.
Thật ấn tượng và đau lòng khi nhìn các phim X-Men sau này dám phá tan tành thành quả mà bộ ba phim đầu tiên đã xác lập. Bằng việc lội ngược dòng thời gian để sửa sai cho dòng thời gian, các nhà làm phim của X-Men đã khiến nó còn... sai hơn. Đó là chưa kể trailer của Dark Phoenix tràn ngập những mô típ cũ mèm, cặp đôi Magneto - Xavier tưởng như đã làm hòa sau Apocalypse nay chẳng hiểu vì sao lại quay qua hục hặc nhau. Với việc X-Men đã được Marvel Studios đón về nhà, hy vọng rằng họ có thể gỡ được những nút thắt bùng nhùng mà nhóm dị nhân đang vướng vào. Còn trailer của Dark Phoenix và bản thân bộ phim, lựa chọn xem hay không là quyền của bạn, nhưng tương lai của chúng thì xem ra chẳng sáng sủa là mấy.
X-Men: Dark Phoenix (X-Men: Phượng Hoàng Bóng Tối) dự kiến khởi chiếu tại các rạp vào dịp Tết 2019.