Windows là hệ điều hành trên máy tính, iOS và Android là hệ điều hành trên smartphone. Và Amazon cũng muốn biến trợ lý ảo Alexa trở thành một hệ điều hành, nhưng không phải hệ điều hành chỉ dành cho máy tính, smartphone hay thiết bị thông minh, mà là một hệ điều hành của cả cuộc đời.
Vừa mới tuần trước, Amazon đã tổ chức một sự kiện ra mắt loạt thiết bị mới. Trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, hơn một chục thiết bị được ra mắt, từ những phiên bản loa thông minh mới, cho đến một chiếc lò vi sóng, đồng hồ treo tường và thiết bị thông minh cho xe ô tô.
Người tiêu dùng có thể không nhớ được hết tất cả những thiết bị mà Amazon vừa mới ra mắt, nhưng có thể thấy một điểm nhấn quan trọng nhất của toàn bộ sự kiện này. Đó chính là trợ lý ảo Alexa, được tích hợp trong hầu hết mọi thiết bị vừa ra mắt của Amazon.
Amazon muốn Alexa trở thành hệ điều hành của cả cuộc đời bạn
“Trong khi những thiết bị mới vừa ra mắt của Amazon không hứa hẹn nhiều thành công, có một tầm nhìn xa hơn ở đây”, chuyên gia phân tích Jennifer Wise nhận định: “Có thể coi các thiết bị này giống như những ‘con ngựa thành Troy’, nhằm mục đích duy nhất là đưa Alexa vào cuộc sống thường ngày của người sử dụng”.
Tầm nhìn của Amazon đó là một ngôi nhà thông minh, nơi bạn sử dụng một trợ lý ảo để điều khiển tất cả các thiết bị xung quanh mình. Và trong khi các đối thủ khác cũng tích cực phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo, Amazon cần nhanh tay hơn để chiếm lấy thị trường này.
Nhà phân tích Jennifer Wise cho biết thêm: “Việc tung ra nhiều thiết bị mới cho phép Amazon có nhiều cơ hội hơn để đưa trợ lý ảo Alexa vào trong ngôi nhà của nhiều người dùng. Amazon muốn Alexa trở thành một thứ gần gũi, ăn sâu vào thói quen của người dùng. Từ đó đánh bật các đối thủ khác. Khi được sử dụng rộng rãi hơn, Alexa cũng có khả năng thu thập nhiều dữ liệu hơn và giúp Amazon cải thiện trợ lý ảo của mình”.
Nói cách khác, khi đã tham gia vào hệ sinh thái của Amazon và trợ lý ảo Alexa, bạn sẽ tiếp tục mua và sử dụng các thiết bị trong hệ sinh thái này. Mục đích là nhằm tương thích tốt nhất, đồng nhất, dễ dàng sử dụng với một thiết bị điều khiển duy nhất là Alexa.
Không chỉ còn là một hệ điều hành trên nền tảng máy tính hay smartphone, Alexa sẽ bao phủ toàn bộ ngôi nhà của bạn, từ phòng khách đến phòng bếp và phòng ngủ. Cho đến cả khi bạn đi xe ô tô ra ngoài cũng có thể sử dụng trợ lý ảo Alexa.
Đó cũng là lý do mà các chuyên gia nhận định rằng Amazon sẽ sớm quay trở lại thị trường smartphone, để có thể phủ sóng Alexa ở khắp mọi nơi và vào bất kỳ thời điểm nào. CEO Jeff Bezos từng nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi muốn khách hàng có thể sử dụng Alexa ở bất kỳ đâu".
Khi những mảnh ghép cuối cùng được hoàn thiện, Alexa sẽ thực sự trở thành một hệ điều hành giúp bạn quản lý cả cuộc đời của mình.
Chiến lược để thống trị của Amazon
Apple được biết đến với một hệ sinh thái iOS hấp dẫn, dễ sử dụng và khiến người dùng bị nghiện. Google lại có hệ sinh thái Android với số lượng người dùng rất lớn. Tuy nhiên hai hệ sinh thái này bị giới hạn trên các thiết bị di động và sẽ chỉ dừng lại ở đó.
Việc sở hữu một chiếc iPhone hoặc Pixel không thể thuyết phục người tiêu dùng mua lò vi sóng mới, chuông cửa thông minh, hệ thống chiếu sáng tự động. Tuy nhiên với hệ sinh thái Alexa thì lại khác, khi bạn mua một thiết bị như loa thông minh Echo, bạn sẽ lại muốn mua lò vi sóng hay tủ lạnh có tích hợp Alexa.
Sau đó, bạn lại muốn mua hệ thống đèn thông minh, rồi đến khóa cửa thông minh. Bạn lại muốn điều khiển mọi thứ trong nhà khi vẫn đang ở ngoài, bạn sẽ lại mua các thiết bị kết nối khác của Amazon cũng tích hợp Alexa. Đó là hệ sinh thái lớn hơn rất nhiều so với iOS (trợ lý Siri) và Android (trợ lý Google Assistant).
Nhà phân tích Jennifer Wise cho rằng: “Hầu hết người dùng đều muốn điều khiển mọi thứ bằng trợ lý ảo Alexa, từ việc mở khóa cửa, bật tắt đèn cho đến chuyển bài hát. Amazon đang là công ty cung cấp gần như mọi thứ mà người dùng muốn trong một hệ sinh thái khép kín, đặc biệt là dễ dàng thiết lập và sử dụng. Đó là điều mà Apple và Google vẫn chưa thể làm được”.
Tham khảo: theverge