Được biết, Intel đã gặp khá nhiều khó khăn với dây chuyền sản xuất CPU 10nm trong vài năm trở lại đây, và theo SemiAccurate, hãng đã đưa ra quyết định huỷ bỏ quy trình này hoàn toàn để hạn chế thiệt hại hết mức có thể.
Tất nhiên, đây là một tin đồn, do đó thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo là chính. Chúng ta vẫn đang chờ phản hồi chính thức từ phía Intel để biết sự thật, bởi không hề có một bằng chứng thực sự nào liên quan vấn đề này cả, trừ việc Charlie Demerjian của SemiAccurate cho biết ông đã "nghe được từ những nguồn đáng tin cậy rằng quy trình này quả thực đã chết".
Nếu "nguồn đáng tin cậy" kia là chính xác, thì Cannon Lake 10nm đã chính thức nói lời giã biệt. Trên thực tế, Demerjian thậm chí còn nói rằng chúng (CPU Cannon Lake 10nm) không hề có thật, chưa từng có thật, và chúng "không bao giờ mang lại lợi ích về tài chính".
Ngẫm kỹ lại một chút, bạn sẽ thấy việc Intel huỷ bỏ quy trình CPU 10nm rõ ràng có liên hệ đến tin tức mới đây rằng hãng sẽ tách bộ phận "Technology and Manufacturing" (Công nghệ và Sản xuất) thành 3 bộ phận độc lập là Technology (công nghệ), Manufacturing (sản xuất) và Supply Chain (chuỗi cung ứng). Nếu Intel không thể tạo ra lợi nhuận từ chip 10nm, tức hãng cũng sẽ gặp rắc rối với những quy trình sản xuất có mật độ thậm chí còn cao hơn, như 7nm hay 5nm. Nếu Intel dự định chuyển sang mô hình thuê công ty khác sản xuất chip, thì việc phân tách bộ phận Manufacturing (sản xuất) khỏi bộ phận Supply Chain (chuỗi cung ứng) ngay lúc này sẽ cho phép bộ phận Manufacturing có thể dễ dàng chuyển giao cho một công ty ngoài khi thời điểm thích hợp đã đến.
Hiện tại, bộ phận Technology của Intel đảm nhiệm việc thiết kế chip, bộ phận Manufacturing đang gặp vướng mắc vì khả năng thực sự của Intel trong việc sản xuất đại trà, trong khi bộ phận Supply Chain thì đang bận rộn chuyển sản phẩm đến tay khách hàng. Chuyển bộ phận Manufacturing ra ngoài sẽ giúp Intel có thể thoải mái thiết kế chip, ký kết các hợp đồng sản xuất với một số đối tác đáng tin cậy như TSMC hay Samsung, sau đó chuyển chip đến người tiêu dùng.
Một lần nữa, tất cả những điều nói trên hoàn toàn là phỏng đoán dựa trên một bản tin không rõ nguồn, và phần lớn những thông tin quan trọng khác lại không thể có được mà không đưa ra một khoản phí lớn, do đó chúng ta chỉ biết vậy mà thôi. Xét cho cùng, 10nm chắc chắn sẽ khiến Intel chìm trong cơn ác mộng liên quan đến hậu cần và tài chính. CPU quy trình 10nm của hãng đã chậm trễ nhiều năm. Trong khi đó, AMD đang mạnh tay với dòng chip Zen 2 quy trình 7nm, sẵn sàng để lật đổ Intel. Trong bối cảnh này, việc Intel nhận ra khiếm khuyết và đưa ra giải pháp nói trên là một bước đi hợp lý, nhưng liệu họ có thực sự đi theo hướng này hay không?
Tham khảo: SemiAccurate