Vào ngày hôm nay (13/12), Facebook đã chính thức ra mắt công cụ thực tế tăng cường (AR) mới cho Messenger với tên gọi “world effects”. Tính năng này cho phép người dùng chèn những hình ảnh, hiệu ứng 3D vào các bức ảnh hoặc video của mình.
"World effects" cho phép người dùng chèn các vật thể 3D vào hình ảnh/video của họ.
Để kích hoạt tính năng này, bạn chỉ cần mở ứng dụng Messenger, chuyển sang chế độ camera và lựa chọn hiệu ứng mà bạn muốn sử dụng.
Được biết, "world effects" được xây dựng dựa trên những tính năng AR sẵn có của Facebook, bao gồm khả năng chèn bộ lọc và mặt nạ cho những tấm selfie của người dùng. Ngoài ra, nó còn được thiết kế để giúp Messenger có tính tương tác hơn và tận dụng tối đa những công nghệ camera ngày càng thông minh, phức tạp trên smartphone. Trước mắt, “world effects” bao gồm các hình ảnh cơ bản, từ trái tim, mũi tên, robot 3D, kỳ lân cho đến các đoạn văn bản mặc định như “love”, “heart” và “miss you”.
Mục đích của công cụ này là tăng cường màu sắc vui nhộn và đa dạng nhất có thể cho Messenger để cạnh tranh với Snapchat và thu hút người dùng về phía mình. Tại hội nghị các nhà phát triển F8 hồi tháng 4 vừa qua, Snapchat đã ra mắt tính năng tương tự với tên gọi “world lenses”. Chính điều này đã mở ra một tầm nhìn hoàn toàn mới, trong đó các đồ vật không chỉ được nhận diện qua camera theo thời gian thực giống như tính năng Lens của Google mà còn có thể ứng dụng đa dạng nhờ công nghệ nhận diện đồ vật và hoạt hình 3D.
Snapchat đã ra mắt "world lenses" từ 8 tháng trước.
Với “world effects”, Facebook đã có trong tay món vũ khí cần thiết để chống lại không chỉ Snapchat mà còn cả Apple và Google. Hai “gã khổng lồ” này đều đã xây dựng thành công những nền tảng AR của riêng mình nhằm khai thác tối đa tiềm năng trên các ứng dụng và dịch vụ di động.
Nhìn nhận một cách khách quan, Facebook là công ty gặp nhiều bất lợi nhất trong lĩnh vực tương lai này. Dù sở hữu lượng người dùng khổng lồ tương đương 1/3 dân số thế giới nhưng họ lại không có hệ điều hành di động riêng biệt và không thể trực tiếp quản lý, kiểm soát camera trên smartphone - một trong những thiết bị truy cập Facebook phổ biến nhất hiện nay.
Để khắc phục tình trạng trên, Facebook cho biết họ đang xây dựng nền tảng AR mới có tên AR Studio và cho phép các lập trình viên bên thứ ba sử dụng với mục đích thử nghiệm. Những kết quả thu được sẽ giúp họ tạo ra một ứng dụng AR hoàn chỉnh để cạnh tranh với Apple cũng như Google.
Facebook đã cho ra mắt AR Studio để nghiên cứu và thử nghiệm sâu hơn công nghệ AR.
Mục tiêu hiện tại mà Facebook đang hướng đến là tạo ra môi trường sử dụng AR hấp dẫn nhất đối với người dùng (Messenger) và tận dụng nó để dần dần thu hút thêm khách hàng. Liệu “world effects” có mang lại thành công cho mạng xã hội lớn nhất thế giới hay không, hay sẽ lập tức bị các đối thủ khác qua mặt hiện vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều chắc chắn: Thực tế tăng cường trên smartphone sẽ là cuộc chiến tiếp theo giữa các "đại gia" ngành công nghệ.
Theo TheVerge