Trong chúng ta ai cũng đều đã từng là những đứa trẻ. Và xin dám chắc rằng, chẳng có đứa trẻ nào là không mơ. Bé gái mơ làm công chúa, bé trai thì mơ quái vật, siêu nhân. Trong mỗi giấc mơ ấy, dường như được sống một cuộc đời khác, một thế giới khác, một thế giới của những con dế mèn dế trũi, của những anh hùng bảo vệ chính nghĩa, và chắc hẳn chẳng ai muốn tỉnh lại. Thế nhưng như một quy luật bất thành văn, ai cũng sẽ lớn lên, và bước vào vòng xoáy của cuộc đời.
Biết bao thứ trách nhiệm, lo lắng đè nặng lên vai và cứ thế, chúng ta đi theo con đường đã được ai đó đã vẽ mà đánh mất đi giấc mơ con trẻ ngày nào. Để rồi có lúc, chúng ta thấy nực cười về chính những gì mình đã từng ao ước thuở còn thơ ấu và thậm chí sẵn sàng gọi ai đó là "dở hơi" nếu kẻ đó nằm ngoài những quy luật được vẽ sẵn kia.
Thế nhưng cuộc sống này vốn dĩ cũng luôn có rất nhiều điều kì lạ. Đâu đó ngoài kia, vẫn có những lão ngoan đồng Chu Bá Thông mặc kệ thiên hạ tranh đao đoạt vị mà ngây thơ như con trẻ. Chẳng nói đâu xa, ngay nơi ven đô của Sài Gòn náo nhiệt cuồng quay, chàng thanh niên tên Vi Ngọc Tài, sinh năm 1987 - chính là một trong số đó. Đơn giản vì một nhẽ anh luôn tin rằng, giấc mơ nào cũng có thể biến thành sự thật.
Vào những đầu thập niên 90, huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai còn là một miền quê nghèo xơ xác. Thời đó đất nước đang bắt đầu thoát khỏi bao cấp, mọi gia đình chật vật với miếng cơm manh áo, vì vậy chiếc vô tuyến là một của hiếm có khó tìm. Thế nên cứ mỗi ba giờ chiều thứ 7 hàng tuần, bà con trong xóm lại chẳng lạ gì hình ảnh một cậu nhóc chạy tất tả khắp làng để tìm xem ké chương trình điện ảnh cuối tuần từ chiếc vô tuyến nhỏ xíu, đó không phải những nhân vật hoạt hình dễ thương hay hoàng tử bạch mã, mà là những bộ phim viễn tưởng có hàng đống quái thú gớm ghiếc mà những đứa bạn chỉ nghĩ tới thôi đã nằm mơ ác mộng.
Những hình ảnh ấy cứ ám ảnh mãi trong đầu cậu bé, không phải vì sợ, mà chỉ vì cậu muốn xem bọn chúng từ đâu ra, được làm nên thế nào, cấu tạo ra sao… hàng ngày cậu cứ thơ thẩn nhặt xác chim bướm côn trùng, rồi mổ xẻ và ngắm nghía cơ thể chúng. Do cái sở thích kì lạ ấy mà cậu chẳng có bạn. Có lần mẹ sợ Tài có vấn đề thần kinh khi cứ khác biệt như thế, thì cậu bé đã nói với mẹ ước mơ sẽ làm ra những con quái vật thật hùng vĩ như trong các bộ phim, mẹ cậu chỉ cười. Bạn bè đặt cho cậu cái biệt danh Tài "lập dị", hàng xóm láng giềng thì bảo "dở hơi", còn Tài thì cứ thế lớn lên và ôm ấp mãi giấc mơ của riêng mình.
Vũ trụ vận hành theo quy luật của nó với sinh lão bệnh tử, và Tài thì không phải chàng dị nhân Benjamin để nằm ngoài quy luật ấy. Cuộc sống đã đưa cậu bé mộng mơ ngày nào từ miền quê lên thành phố đầy bụi, lao vào những cuộc chạy đua mà chẳng ai tránh né được khi còn biết thở. Mài đũng quần ở ghế nhà trường 4 năm để cầm trên tay tấm bằng kiến trúc sư, Tài lao vào kiếm sống với những công trình ở khắp nơi và những bản hợp đồng vô cảm. Thời gian thì chẳng bao giờ nhân từ với bất cứ giấc mơ nào, nó cứ bắt người ta phải lớn, mà hình như cái sự lớn lên lại hay giết chết những giấc mơ.
Trong bộ phim "Sự trỗi dậy của các vị thần" mà Tài yêu thích, nhân vật ông kẹ Pitch đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả thế giới bằng cách đánh cắp niềm tin và những ước mơ của lũ trẻ con. Dĩ nhiên, thế giới luôn có những vị thần để bảo vệ nhân loại khỏi kẻ xấu nhưng chính những ai có niềm tin và giấc mơ mới đủ sức mạnh để làm cho các anh hùng ấy tồn tại. Và với Tài, chưa bao giờ anh để cho những chú quái vật thuở nhỏ của mình bị quên lãng. Suốt thời gian học Đại học, anh chàng vẫn nuôi dưỡng trí tưởng tượng bằng mọi cách. Anh tụ họp bạn bè để làm diễn viên cho những bộ phim tự mình đạo diễn. Từ phim chưởng rồi tới võ thuật, thậm chí cả phim viễn tưởng. Phim của Tài luôn có những anh hùng bảo vệ người dân, với những kĩ xảo rất bất ngờ mà một chàng sinh viên thời ấy có thể làm được. Tự nhận mình là một sản phẩm lỗi của nền giáo dục, khi mà bản thân tiếp thu kiến thức học đường thì ít, mà mơ mộng "ba cái thứ lung tung" thì nhiều.
Ra trường, Tài làm việc về xây dựng cho một công ty ở Campuchia với mức lương khá tốt. Ba mẹ đã cậu cũng mừng vì nghĩ chắc nó sẽ sớm yên bề gia thất, bỏ được cái tính lơ mơ, nhưng các cụ đã mừng hụt. Ở nơi đất khách trăm công nghìn việc, thế nhưng mỗi lần có thời gian nghỉ ngơi, Tài lại nhìn qua cửa sổ và vẫn đau đáu nghĩ về những bộ phim viễn tưởng của mình. Cái khát khao ấy cứ thôi thúc, thôi thúc mãi cho tới một ngày kia anh chàng không chịu nổi, Tài xin bố mẹ gian nhà kho để tự tay mở một xưởng làm mô hình ở quê. Vậy là cứ cuối tuần Tài lại vội vàng lên xe đi hàng trăm cây số từ Campuchia về Đồng Nai, thức trắng hai đêm ngắn ngủi lao vào xưởng làm những mô hình quái vật đã ấp ủ bấy lâu.
Chẳng biết có phải do xem phim quá nhiều không mà cuộc đời của Tài cũng như một bộ phim đầy kịch tính. Năm 2014, sau một đợt viêm họng dài ngày không khỏi, anh đi khám và nhận được chẩn đoán mình bị ung thư vòm họng. Tin như sét đánh ngang tai, với bất cứ một người "bình thường" nào cũng sẽ hoảng sợ, thế nhưng với kẻ "dở hơi" như Tài thì ngược lại. Anh chia sẻ: "Thật sự ngay lúc đó mình chẳng sợ chết, mình chỉ nghĩ đằng nào ung thư chắc cũng chỉ sống được vài năm, thế thì chẳng còn gì ngăn cản mình thực hiện nốt ước mơ còn dang dở". Và thế là anh chàng đệ đơn xin thôi việc ngay hôm sau. Và sau một tuần, xưởng làm mô hình có cái tên Cinemagic chính thức ra đời tại Sài Gòn.
Như lời một bài hát của cố nhạc sĩ Trần Lập: "Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm máu vì những mũi gai". Trên con đường đầy táo bạo và có phần viển vông của mình, Tài cũng đã từng bị gai đâm tưởng như gục ngã. Thời gian đầu mở xưởng khó khăn quá nhiều, Tài phải xoay xở đủ thứ. Là một kẻ tay ngang, anh phải đi khắp nơi để tìm học những kiến thức về việc tạo hình, thời điểm ấy ở Việt Nam thì ngành này còn rất ít phát triển thế nên có những lúc mọi thứ như đi vào ngõ cụt.
Từ những kiến thức căn bản của việc tạo dựng khuôn cho tới nguyên vật liệu đều không dễ kiếm, hơn nữa để làm ra một mô hình lớn còn mất rất nhiều thời gian. Từ công đoạn vẽ phác thảo cho tới nặn tượng rồi đổ khuôn là cả một quá trình dài đằng đẵng. Thế nhưng khi có những sản phẩm rồi thì điều dễ gây nản lòng nhất là hành trình đi tìm người đầu tư. Tài chia sẻ chính anh đã không còn nhớ nổi mình đã gõ bao nhiêu cánh cửa, uống bao cốc nước gặp mặt để rồi nhận lại những cái lắc đầu, thậm chí là những nụ cười mai mỉa, đến nỗi những câu nói như: "Đừng mơ hão" hay "Đặt chân xuống đất đi"... anh cũng nghe tới thuộc lòng. Bạn bè làm cùng nản chí vì không nhìn thấy tương lai nên lần lượt rút vốn quay lưng bỏ lại một mình anh loay hoay giữa bộn bề rắc rối.
Cùng thời điểm đó, Tài nhận làm đơn hàng cho một công ty khá lớn, một mình thức trắng suốt cả tuần thì dù ba đầu sáu tay cũng không thể hoàn thành kịp chỉ tiêu, Tài đã thất bại. Thời điểm đó được Tài chia sẻ là quãng thời gian tưởng như đã thật sự gục ngã: "Ngày hôm ấy mình đóng cửa xưởng, lấy xe đi lang thang, vừa đi vừa khóc, mình đã thực sự nghĩ sẽ bỏ cuộc, khi mà cảm giác như cả thế giới quay lưng lại với mình."
12 giờ khuya, Tài đi chặt cây trang trí cho sản phẩm để tiết kiệm chi phí
Đúng như câu nói của nhà văn Paulo Coelho trong Nhà Giả Kim, có lẽ khi mà tất cả dường như quay lưng với Tài, thì chính sự quyết tâm của anh đã làm cả vũ trụ động lòng. Vào thời điểm tưởng như đã buông xuôi, anh trở về xưởng và cứ thế đọc lại tất cả những cuốn sách đã truyền cảm hứng cho mình, những thất bại đầu đời của những danh nhân nổi tiếng. Sau ba ngày tĩnh tâm lại, Tài đưa thất bại của mình ra phân tích để rút kinh nghiệm, gấp rút hoàn thành tốt bản hợp đồng còn lại để gửi cho đối tác. Và những cố gắng của anh đã không bị phụ lòng, khách hàng rất hài lòng với sản phẩm của Cinemagic đồng thời chấp nhận sai sót của anh.
Biết là không thể một mình thực hiện giấc mơ, Tài cứ thế đi khắp nơi tìm những người anh em chung chí hướng. Và như một lời đáp cho những cố gắng không biết mệt mỏi của mình, Tài tìm thấy một người mà sau này đã trở thành cộng sự và cũng là thầy của anh, đó là họa sĩ Phan Vũ Linh. Thầy Linh kể: "Trước Tài cũng đã rất nhiều người tìm đến tôi để cộng tác, thế nhưng thường chỉ là những lời nói và kế hoạch chứ không có sản phẩm thực tế. Duy chỉ với Tài, khi đến gặp tôi đã mang theo những giấc mơ của mình cùng cả con khủng long to đùng, lúc ấy cậu ta đã thực sự thuyết phục được tôi".
Với Tài, việc gặp được thầy Linh như một giấc mơ có thật, vì thầy đã rất nổi tiếng trong giới. Cứ thế thầy thì vẽ ý tưởng, Tài thì tìm cách hiện thực hóa ý tưởng ấy thành các mô hình có thật. Và những anh em cùng đam mê cũng tự tìm đến với nhau. Cái xưởng lạnh lẽo ngày nào chỉ có mình Tài thì nay trở nên đông đúc và lúc nào cũng ồn ào tiếng máy móc động cơ cùng mùi sơn dầu thơm nức.
Nguồn động lực lớn nhất với Tài, có lẽ chính là gia đình của mình. Anh cũng không khi nào thoát khỏi cảm giác áy náy mỗi khi nghĩ về bố mẹ: "Tuổi 30 chẳng mang lại gì cho ba mẹ, chưa báo hiếu được một ngày nào, chắc ba mẹ cũng buồn lắm mà mình thì chẳng biết phải làm sao". Thế nhưng thân sinh của Tài lại nghĩ hoàn toàn ngược lại. Chỉ cần con vui khoẻ là điều hạnh phúc nhất trên đời, vì nhẽ ấy mà hai người chẳng ngại ngần đem cầm sổ đỏ để vay tiền cho con trai hiện thức hoá giấc mơ. Trước ngày cậu con út yêu quý lên Sài Gòn để tiếp tục mơ mộng, hai cụ chỉ nắm tay con nói đúng một điều: "Đói thì về mẹ nuôi".
Nếu ví những ước mơ như một cái cây, thì đam mê sẽ là dưỡng chất, và chính sự lao động nghiêm túc là mảnh đất để nó lớn lên. Cái cây của Tài đã được chăm bón và trải qua nhiều giông bão, để rồi những chiếc rễ bám sâu hơn vào đất, hoa bắt đầu nở, trái cũng thành hình.
Sau hàng trăm cái lắc đầu của những nhà đầu tư, thì cuối cùng ý tưởng của Tài về một không gian dành cho những con quái thú anh luôn ấp ủ đã được lắng nghe. Và dự án Đảo Đầu Lâu chính là một trái ngọt đầu tiên Tài được hái sau 4 năm miệt mài. Trong không gian ấy, Tài cùng anh em đã tự tay làm nên những con quái vật trong giấc mơ của mình thời thơ ấu. Người xem sẽ được sờ tận tay nhìn tận mắt những gì chỉ có trên các bộ phim. Đó là một con Kingkong cao tới gần hai mét, mỗi lần gầm lên sẽ rung chuyển cả hang động. Đó là loài sâu ăn thịt người kinh dị trong vũ trụ, những con khủng long thời tiền sử, thậm chí cả con nhện khổng lồ trong bộ phim "Chúa Nhẫn"… Tất cả đều sống động đến nỗi ai bước vào cũng tưởng mình lạc trong một bộ phim viễn tưởng.
Sinh con thì dễ, nuôi con mới gian nan. Dự án Đảo Đầu Lâu của Tài ra đời là niềm hân hoan của cả xưởng, thế nhưng hành trình để duy trì nó rồi đưa nó tới đông đảo mọi người thì mang lại không ít khó khăn. Lần đầu tiên quản lý một dự án kinh doanh với số tiền vốn lên tới cả tỉ đồng, Tài đã phải đối diện với rất nhiều bỡ ngỡ. Khó khăn đầu tiên đó là về kinh phí khi dự án của Cinemagic chỉ xoay xở được ½ số tiền cần có. Tiếp theo là đến vấn đề vật liệu silicone tại Việt Nam chất lượng không tốt, thường bị pha với bột đá, khiến sản phẩm dễ bị rách, hư hỏng, nên phải nhập với giá thành cao và lâu, kinh phí ít nên phải nghĩ ra nhiều cách khác nhau để chế biến cũng như tiết kiệm.
Ngày khai trương điểm tổ chức chỉ lèo tèo vài mống khách, đến những hôm sau, tình hình chẳng hề khả quan hơn. Nhà đầu tư nổi nóng, anh em mất tinh thần, bản thân Tài cũng không tránh khỏi hoang mang.
Tài đang đi phát tờ rơi cho chương trình cùng các anh em
Thế nhưng với tâm thế của một giám đốc điều hành, Tài chia sẻ: "Mọi việc không theo ý muốn, mình cũng buồn, thế nhưng buồn thì chỉ một mình thôi, chứ không để anh em thấy mình mệt mỏi hay chán nản được. Lúc nào cũng phải hừng hực khí thế để cùng nâng tinh thần của tất cả mọi người. Còn mình luôn quan niệm thế giới giờ đã lên tới sao Hoả rồi, thì mấy cái khó khăn bé nhỏ này sao lại phải lo lắng."
"Thế giới lên đến sao Hoả rồi nên với mình mọi khó khăn bé tẹo mà thôi"
Đứng trước những con quái vật của mình, Tài cảm thấy vừa tự hào vừa lo lắng. Vui vì chính mình đã tự tay làm nên được những điều tưởng chỉ có trong mơ, vì đã vượt qua chính những khó khăn tưởng như đã có thể làm mình buông bỏ. Thế nhưng những mô hình của mình sẽ đi đâu về đâu, làm sao để đưa nó đến với tất cả mọi người thì đó vẫn còn là một câu hỏi lớn mà Tài còn cả quãng đường dài trước mắt để chiến đấu: "Cứ mỗi lần khó khăn, mình lại nghĩ về lí do tại sao mình bắt đầu. Mình muốn làm ra một bộ phim viễn tưởng của người Việt Nam tự tay làm ra, để mang nó đến với điện ảnh thế giới".