Như một hệ quả từ án phạt trị giá 5 tỷ USD của Liên minh châu Âu vào đầu năm nay, Google đang thực hiện các thay đổi cơ bản đối với cách Android hoạt động bên trong châu Âu.
Dưới đây là một số điểm thay đổi chính:
- Các nhà sản xuất smartphone muốn chạy Android trên thiết bị của mình sẽ không còn buộc phải cài đặt độc quyền gói ứng dụng của Google (Chrome và Search) để được truy cập vào cửa hàng ứng dụng Google Play Store nữa.
- Ngược lại, giờ đây Google sẽ tính phí cấp phép với các nhà sản xuất điện thoại cho gói ứng dụng của họ, bao gồm Play Store, Gmail, YouTube, và Google Maps. Các ứng dụng Google Search và Chrome sẽ được tính phí riêng.
- Điều đó có nghĩa các nhà sản xuất smartphone có thể lựa chọn cài đặt trước ứng dụng của Google hoặc của các công ty cạnh tranh với họ.
- Họ cũng được tự do tạo ra các phiên bản Android fork không tương thích và vẫn được truy cập vào ứng dụng Google, trong khi trước đây, những bản Android fork này bị chặn truy cập vào cửa hàng ứng dụng Play Store.
Cho đến khi các thay đổi này thực sự có hiệu lực, rất khó biết chính xác điều này sẽ tác động như thế nào đến người tiêu dùng, tuy nhiên chúng ta có thể hình dung ra một số kịch bản của sự việc này:
Điện thoại Android tại châu Âu sẽ đắt hơn
Năm ngoái, khi Liên minh châu Âu EU lần đầu áp đặt án phạt cho Google, các chuyên gia pháp lý đã cảnh báo rằng điều này sẽ làm những chiếc smartphone Android sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Để hiểu tại sao những chiếc Android lại đắt hơn vì án phạt này, điều quan trọng cần nhớ rằng, quảng cáo tìm kiếm là cỗ máy kiếm tiền chủ yếu của Google trên desktop và di động. Hơn nữa, doanh thu quảng cáo trên di động đang ngày càng quan trọng hơn khi người dùng đang sử dụng điện thoại nhiều hơn.
Android vẫn được cung cấp miễn phí là vì Google đã yêu cầu các nhà sản xuất smartphone cài đặt trước ứng dụng Google Search, để đảm bảo họ sẽ kiếm được các khoản tiền lớn từ quảng cáo tìm kiếm trên mobile. Nhờ vào án phạt của EU, nguồn doanh thu gần như được đảm bảo đó sẽ bị đe dọa và Google phải tìm cách khác để bù đắp khả năng kiếm tiền từ Android.
Bản thân việc tính phí Android không có gì hợp lý cả - lợi ích của Google đến từ việc biến hệ điều hành này càng phổ biến càng tốt. Do đó các thỏa thuận tính phí cấp phép chỉ dành cho các ứng dụng phổ biến.
Các nhà sản xuất điện thoại sẽ nhận ra rằng, khách hàng của mình vẫn muốn truy cập vào các dịch vụ của Google như Maps và Search, và vì vậy họ sẽ phải miễn cưỡng chấp nhận trả phí. Khi chi phí đó bị chuyển thành giá bán vào cho khách hàng, người tiêu dùng sẽ thấy giá của các smartphone Android tăng lên.
Nhưng điều này phụ thuộc vào một số yếu tố khác. Một trong những điều đó là số lượng các nhà sản xuất smartphone chấp nhận trả phí cho ứng dụng Google, thay vì cài đặt các dịch vụ của đối thủ công ty. Một điều khác là Google có thể loại bỏ việc trả phí cấp phép nếu các nhà sản xuất smartphone đặt ứng dụng Google Search và Chrome trên màn hình chính thiết bị của họ. Nó sẽ làm Google mất thêm một khoản tiền nữa, nhưng có thể giúp đảm bảo thu nhập từ quảng cáo tìm kiếm cho công ty.
Việc phân mảnh trong hệ sinh thái Android sẽ càng tồi tệ hơn
Khi bạn mua một chiếc iPhone, bạn sẽ biết chính xác mình nhận được gì. Nhưng điều đó không được đảm bảo khi bạn mua một chiếc điện thoại Android. Một phần lý do của việc này là vì các nhà sản xuất là người kiểm soát lịch trình cập nhật hệ điều hành cho thiết bị.
Tính phân mảnh là vấn đề đau đầu đối với Google. Điều đó liên quan đến thực tế hiện có rất nhiều smartphone đang chạy các phiên bản Android khác nhau. Đây là một thực tế khó chịu cho các nhà phát triển ứng dụng và bảo mật. Điều này cũng lý giải tại sao những ứng dụng hấp dẫn mới thường có mặt trên iPhone trước khi xuất hiện trên Android.
Một công ty phát triển ứng dụng Android từng phải test hàng trăm thiết bị mỗi khi chuẩn bị ra mắt một sản phẩm mới.
Liên minh các nhà phát triển Developer Alliance, tổ chức đã đứng về phía Google trong vụ kiện của EU, cho biết trên blog của mình rằng "bóng ma của sự phân mảnh đang trở lại." Điều đó là vì Google quyết định cho phép các bản Android fork không tương thích được truy cập vào Play Store, theo yêu cầu từ án phạt của EU.
Các bản Android fork đang trở nên rất phổ biến, đặc biệt với những người khao khát được tự do chọc ngoáy điện thoại của họ. Các bản Android fork không tương thích đã bị chặn truy cập vào các dịch vụ của Google.
Ví dụ như Amazon đã tạo ra một bản Android fork, có tên Fire OS, để chạy trên những chiếc Fire Tablet và các phần cứng khác của họ, nhưng về cơ bản Google khóa chặt hệ điều hành này trên smartphone. Thật không may, các bản fork đó có nghĩa là Android không có một trải nghiệm thống nhất trên mọi thiết bị.
Theo bài đăng của liên minh trên, "Rủi ro từ các phiên bản Android phái sinh sẽ làm cho các ứng dụng trên thiết bị tốn nhiều chi phí phát triển hơn và có thể không hoạt động với mọi người dùng. Các nỗ lực của Google nhằm hạn chế tình trạng phân mảnh đã làm nên một nền tảng tốt hơn cho người dùng, cho các nhà phát triển và các nhà sản xuất điện thoại. Liên minh Developer Alliance hy vọng rằng việc gắn nhãn rõ ràng sẽ giúp giảm sự nhầm lẫn của người dùng giữa các thiết bị tương thích và không tương thích Android."
Tham khảo Business Insider