Hãng hàng không bạn sắp bay có Wi-Fi không?

Cái này tùy hãng, nhưng bạn có thể dễ dàng kiểm tra trước trên web của họ để biết. Wi-Fi trên máy bay hiện vẫn là một lợi thế cạnh tranh và các hãng thường khoe điều này từ web đến app nên không khó để bạn biết được. Wi-Fi cũng là lý do vì sao mình thích chọn ANA của Nhật hơn là Korean Airlines của Hàn khi có việc cần sang Mỹ, hoặc chọn Emirates, Etihad hơn là bay Vietnam Airlines khi muốn sang Châu Âu mặc dù giá vé đôi khi đắt hơn.

Lưu ý: có những vùng không có Wi-Fi, nên ngay cả khi máy bay và hãng bay có hỗ trợ Wi-Fi thì khi bay qua đó bạn vẫn sẽ bị mất Internet. Như bên dưới là vùng phủ Wi-Fi (màu xanh đậm và trắng) của hãng hàng không United, mảng màu xám là mảng không có mạng.
 

Đang tải Wi-Fi_map_598x310.jpg… ​


Chuyến bay của bạn có Wi-Fi hay không?

Cái này mới là điều quan trọng, vì không phải chuyến bay nào cũng được hỗ trợ Wi-Fi mặc dù hãng có cung cấp dịch vụ. Trong đội bay của các hãng hàng không, thường những chiếc máy bay thân rộng như Airbus A330, A380 hay Boeing 777, 747, 787 sẽ được trang bị Wi-Fi do chúng đảm nhận nhiệm vụ bay các chặng xa, chủ yếu là chặng quốc tế với thời lượng bay từ 6 đến 18 tiếng.

Những chiếc máy bay nhỏ hơn, ví dụ Airbus A310 hay Boeing 737 chuyên đảm nhận các chặn bay ngắn (nội địa hoặc quốc tế với thời gian bay từ 6 tiếng đổ lại) ít khi nào được gắn Wi-Fi. Thực chất khi bay các chặn ngắn như thế này thì cũng không cần Wi-Fi vì bạn sẽ không bị chán như khi bay đường dài.
 

Đang tải Wi-Fi_onboard.jpg…


Một cách cực dễ để bạn biết chuyến bay của mình có hỗ trợ Wi-Fi hay không là quan sát khi đặt vé. Biểu tượng Wi-Fi nếu có sẽ xuất hiện ngay bên cạnh chuyến bay của bạn. Nếu đặt qua đại lý, bạn cũng có thể hỏi họ xem chuyến bay của bạn có Wi-Fi hay không. Gọi điện lên tổng đài hỗ trợ của hãng hàng không cũng là một ý hay.

Tính tiền như thế nào?

Tất cả các hãng hàng không đều yêu cầu bạn thanh toán trước khi sử dụng Wi-Fi và điều đó sẽ được thực hiện bằng thẻ thanh toán quốc tế (Visa, MasterCard, Amex, JCB... nhưng Visa và Master là đảm bảo hãng hàng không nào cũng hỗ trợ). Mình chưa thử và chưa từng thấy ai trả tiền mặt khi dùng Wi-Fi trên máy bay cả. Nói cách khác, để dùng Wi-Fi trên máy bay, bạn cần có một cái thẻ Visa hoặc Master nhé.

Theo trải nghiệm của mình với một số hãng mình từng bay, sẽ có những cách tính phí chủ yếu như sau:

  1. Trả phí tính theo thời gian truy cập, không giới hạn dung lượng sử dụng (ví dụ: trả 10$ để được sử dụng trong 3 tiếng, hoặc trả 20$ để dùng trong 24 giờ)
  2. Giới hạn dung lượng, không giới hạn thời gian (ví dụ: trả 10$ để được dùng 20MB, xài hết thì trả thêm)
  3. Giới hạn cả dung lượng và thời gian truy cập (hết thời gian mà chưa xài hết dung lượng thì cũng xem như là hết, hoặc ngược lại)

Đang tải In_flight_Wi-Fi_gia_tien.jpg…
Bảng giá Wi-Fi của hãng hàng không nhật ANA, 22$ cho 24 tiếng truy cập và làm được việc, không quá đắt​


Trong 3 cách tính trên, mình thích cách số 1 nhất vì mình có thể thoải mái truy cập và sử dụng bao nhiêu cũng được, đặc biệt là với thằng thường xuyên sử dụng Internet và làm nhiều việc khi bay như mình. Một số hãng giới hạn dung lượng thì cực kì khó chịu, lỡ mà load web nhiều ảnh một phát là xem như xong luôn. Gói cuối cùng còn kinh khủng hơn nữa, chặng mọi đường sống của khách, không ưng.

Cũng may là những chặng dài mình thường bay tính phí theo cách 1, và kinh nghiệm của mình đó là bạn cần ước tính thời gian bay cũng như thời gian cần Internet để mua gói phù hợp, tránh lãng phí tiền. Ví dụ, chuyến bay dài 6 tiếng mà bạn nhắm mình chỉ làm việc 2 tiếng thôi, thời gian còn lại ngủ hay chơi game gì đó thì chỉ cần mua gói 2 tiếng. Với các chặng bay dài 10 tiếng trở lên, mình mua hẳn gói 24 giờ luôn để khi nào cần là xài được ngay, không phải suy nghĩ nhiều rất mệt.

Lưu ý: Nếu bạn mua gói tính giờ, khi không sử dụng (ví dụ: lúc bạn cần coi phim, ăn uống, hay đi ngủ), bạn có thể pause kết nối Internet. Lúc này hãng hàng không sẽ không tính thời gian sử dụng cho bạn, khi cần sử dụng tiếp thì vô nhấn resume là xong. Việc này có thể làm qua trang web portal khi bạn vừa connect vào Wi-Fi. Nếu không pause được hay không biết làm, hãy mạnh dạn hỏi tiếp viên nhé

Dùng được bao nhiêu thiết bị cùng lúc?

Thường 1 gói chỉ cho bạn truy cập 1 thiết bị thôi, tức là bạn sẽ không thoải mái Wi-Fi vừa điện thoại vừa laptop như dưới mặt đất. Nhưng may mắn là đa số các hãng hàng không đều cho phép ngắt kết nối máy này và đổi sang máy khác tương đối dễ dàng. Ví dụ, hãng United Airlines cho phép bạn đổi không giới hạn Wi-Fi giữa các máy với nhau, từ laptop đến mobile và tablet, miễn là bạn có cài app của họ (app có thể cài liền trên máy bay và đăng nhập tài khoản vào). Đừng ngại nhờ tiếp viên trợ giúp nếu bạn cần chuyển Wi-Fi nhé.

Những thứ bạn nên và không nên làm với Wi-Fi trên máy bay

Vì tốc độ truy cập Wi-Fi trên máy bay không cao, chỉ ngang ADSL nhiều năm về trước, nên xin chia sẻ với bạn một vài thứ bên dưới.

Nên làm:

  • Lướt web, check email, làm việc, lên Tinh tế viết bài, gửi file cho người khác (file nhẹ thôi, file nặng gửi lâu lắm)
  • Trên điện thoại thì có thể chơi các game online nhẹ nhàng, đọc báo, Facebook, Messenger, iMessage, WhatsApp

Không nên làm:

  • Gọi điện thoại (vì phiền người khác)
  • Gọi video (vì mạng lag lắm, chưa kể nhiều hãng cấm không cho sử dụng)
  • Xem video kiểu streaming (Netflix, YouTube...)